Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (09/02/1907-09/02/2022), sáng 9/2, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học: Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo đổi mới, sáng tạo.
PGS, TS Trần Minh Trưởng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Vai trò đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư lúc bấy giờ hết sức to lớn. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã định ra đường lối kháng chiến hết sức đúng đắn và sáng tạo. “Kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Tức là phải xác định được đường lối kháng chiến, thì mới tổ chức kháng chiến, triển khai và xây dựng lực lượng được thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.
Một trong những cống hiến xuất sắc của đồng chí Trường Chinh là quá trình cùng với Trung ương Đảng tìm tòi, đặt nền móng và trở thành kiến trúc sư cho công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam, trong đó trước hết là nghiên cứu, đổi mới tư duy về kinh tế. Theo đồng chí, “đổi mới công tác quản lý kinh tế, xóa bỏ lối quản lý hành chính quan liêu bao cấp, thực hiện hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa…, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động” là biện pháp có ý nghĩa quyết định để chuyển biến tình hình kinh tế những năm đầu đổi mới.
Với bản lĩnh, tư duy, phong cách đổi mới, sáng tạo, đồng chí Trường Chinh để lại cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, đứng đầu, cán bộ cấp chiến lược nhiều bài học quý giá. Đó là phải giữ vững tư cách của một người cách mạng, mà cốt lõi, xuyên suốt là đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, trước hết.
PGS TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách làm việc của đồng chí Trường Chinh hết sức sâu sát, tỉ mỉ, khoa học. Đây cũng là một phong cách làm việc của Bác Hồ. Tức là làm việc nhưng phải cụ thể, sâu sát, cẩn thận, chu đáo, việc nào ra việc ấy. Tinh thần đó theo tôi vừa thể hiện sự đổi mới, vừa bản lĩnh, sáng tạo, vừa trí tuệ, suy nghĩ về lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân của Tổ quốc lên trên hết. Đồng chí Trường Chinh là như vậy”.
Đồng chí Trường Chinh còn để lại bài học về đức “dũng”, dám làm, dám ủng hộ cái đúng. Dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; khi có khuyết điểm, sai lầm, dám nhận và sửa chữa.
Tiến sỹ Lê Trung Kiên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: “Tổng Bí thư Trường Chinh là một người nói thẳng sự thật. Cho nên làm cũng là hành động thực tiễn. Ông luôn luôn có những chỉ đạo hết sức cụ thể về việc phải cởi bỏ những tư tưởng mang tính trung bình chủ nghĩa, hưởng bổng lộc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí yêu cầu phải thực hiện đạo đức cách mạng theo như Bác Hồ đã dạy là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư”.
81 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng bền bỉ, liên tục, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Sự nghiệp cách mạng và những đóng góp quan trọng của đồng chí Trường Chinh đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa quý báu, là bài học giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay./.