Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe ông Trần Viết Huân, Giám đốc công nghệ - Công ty IBM đã trình bày tổng quan về điện toán đám mây và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về cơ chế chính sách đối với việc phát triển điện toán đám mây.
Điện toán đám mây là một mô hình cho phép truy cập thông qua mạng từ bất kỳ nơi nào một cách tiện lợi và theo nhu cầu đến một kho dùng chung các tài nguyên tính toán có thể cấu hình được (như mạng máy tính, máy chủ, lưu trữ, ứng dụng và dịch vụ). Các tài nguyên này có thể được cấp phát hoặc trả về một cách nhanh chóng với nỗ lực quản lý hoặc tương tác với các nhà cung cấp dịch vụ ở mức tối thiểu. |
Theo ông Huân, Điện toán đám mây có 5 đặc tính cơ bản, 4 mô hình triển khai và 3 mô hình dịch vụ. Đối với 5 đặc tính cơ bản: Tự phục vụ theo nhu cầu; Truy cập thông qua mạng diện rộng; Nhóm tài nguyên; Tính co giãn nhanh; Tính đo lường được. 4 mô hình triển khai đó là: Đám mây riêng; Đám mây cộng đồng; Đám mây công cộng; Đám mây lai. 3 mô hình dịch vụ: Phần mềm đám mây như là dịch vụ (SaaS); Phần mềm nền tảng đám mây như là dịch vụ (PaaS); Hạ tầng đám mây như là dịch vụ (IaaS).
Tại buổi tọa đàm các đại biểu được nghe ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng vụ CNTT, Bộ TT&TT trình bày về “một số chính sách phát triển điện toán đám mây của Việt Nam: Chính sách quản lý thúc đẩy phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam”. Theo ông Đường cho biết: Điện toán đám mây là một nhóm các dịch vụ cho thuê và chia sẻ tài nguyên CNTT qua môi trường mạng, bao gồm dịch vụ về hạ tầng, dịch vụ về môi trường hệ thống và dịch vụ về phần mềm. Ông cũng cho rằng để phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam trong thời gian tới cần phải nâng cao nhận thức về vai trò và xu hướng tất yếu của dịch vụ CNTT và dịch vụ điện toán đám mây; Tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi với các lãnh đạo thông tin tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để tăng cường nhận thức về xu thế công nghệ mới nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả; Các tổ chức doanh nghiệp nên chuyển dịch cơ chế đầu tư bằng việc chú trọng việc thuê ngoài và sử dụng dịch vụ CNTT và điện toán đám mây; Phát triển nguồn nhân lực cho điện toán đám mây, cần xem xét đưa vào chương trình đào tạo các kiến thức, công nghệ liên quan đến điện toán đám mây, cần nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ công nghệ điện toán đám mây, nghiên cứu về hạ tầng, chuyển đổi mô hình ứng dụng CNTT…
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến của các đại biểu đưa ra nhằm xây dựng và phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam trong thời gian tới. Theo đại diện Bộ Công thương cho biết hiện nay Bộ Công thương cũng đang rất quan tâm đến điện toán đám mây và trong thời gian tới sẽ sẵn sàng phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan để phát triển điện toán đám mây. Ông cũng cho rằng cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa về điện toán đám mây, tham khảo các nước đã sử dụng trước. Đại diện công ty phần mềm Quang Trung thì cho rằng: Sử dụng điện toán đám mây là một xu thế tất yếu của xã hội, việc sử dụng điện toán đám mây có thể giúp cho các doanh nghiệp có thể hưởng lợi nhiều hơn. Một số ý kiến khác cho rằng trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức cho toàn cộng đồng xã hội về lợi ích của xã hội; Nên sớm có hành lang pháp lý về việc sử dụng điện toán đám mây; triển khai rộng trên các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước…
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để thúc đẩy phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam…