Đến năm 2030 mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 1 xã hoàn thành việc chuyển đổi số là một mục tiêu cơ bản được Tỉnh ủy Tây Ninh đề ra trong Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh (Ảnh: tuyengiao.vn)
Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương
Trong Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã xác định rõ các quan điểm: Chuyển đổi số giúp định hình tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, tiêu thụ và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số; là nhu cầu tất yếu trong lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số tại tỉnh. Thay đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tiếp cận và ứng dụng CNTT và viễn thông đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số tại địa phương.
Chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững địa phương.
Đưa Tây Ninh vào nhóm tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá
Về mục tiêu tổng quát, theo Nghị quyết, chuyển đổi số của tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá; phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc CMCN 4.0, phát triển kinh tế số; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số trong tỉnh; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025 của tỉnh Tây Ninh là bảo đảm thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về các chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tây Ninh cơ bản hoàn thành các nền tảng cho chính quyền số và an toàn, an ninh mạng.
Còn đến năm 2030, các mục tiêu cơ bản được Tỉnh ủy Tây Ninh đặt ra gồm có: hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; có tối thiểu 2 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh; mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 1 xã hoàn thành việc chuyển đổi số. Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá.
Bảy nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết của Tỉnh ủy Tây Ninh về chuyển đổi số tỉnh cũng vạch ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường tuyên truyền, đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ.
Sáu nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu khác cũng cần được tập trung triển khai thời gian tới để chuyển đổi số thành công Tây Ninh, bao gồm: Xây dựng chương trình chuyển đổi số của tỉnh trên cơ sở chương trình chuyển đổi số quốc gia, hệ sinh thái và khả năng chuyển đổi số của tỉnh; Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của địa phương; Đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số; Phát triển kinh tế số; Phát triển xã hội số; Chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực.
Để tổ chức thực hiện, Ban thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh yêu cầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và các đề án, chương trình, kế hoạch tham gia CMCN 4.0; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết…
Sau hơn nửa năm kể từ khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã có hơn 30 tỉnh, thành phố ban hành Chương trình, Kế hoạch, Đề án chuyển đổi số. Một số địa phương như Bến Tre, Thái Nguyên đã ra nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về chuyển đổi số./.