Dễ dàng tạo ra tin nhắn giả mạo từ các công cụ trên mạng
Dễ dàng tạo tin nhắn giả
Người viết cũng đã tiến hành vào các kho ứng dụng tìm kiếm từ khoá “Fake Messenger” trên cả kho ứng dụng Google Play và App Store, ngay lập tức hàng loạt ứng dụng hiện ra và có thể tải về để sử dụng dễ dàng. Các ứng dụng này cho phép người dùng tự tạo tin nhắn chat với nhau với nhiều giao diện như tin nhắn điện thoại, tin nhắn Facebook hay cả tin nhắn Snapchat…
Bên cạnh đó, trên mạng cũng xuất hiện rất nhiều các bài viết hướng dẫn người dùng một cách chi tiết và tỉ mỉ, khiến họ có thể thực hiện tạo các tin nhắn giả một cách dễ dàng.
Công cụ nguy hiểm trong việc tấn công cá nhân và doanh nghiệp
Với công cụ tạo tin nhắn ở trên, bên cạnh nhiều người sử dụng để tạo ra các đoạn chat có nội dung vui vẻ, sau đó đăng lên các Fanpage hay group trên mạng xã hội Facebook để câu tương tác như like, comment và share… thì còn xuất hiện nhiều tin nhắn được tạo từ các công cụ ở trên để tìm cách tấn công cá nhân và doanh nghiệp xuất hiện nhan nhản trên Facebook. Với việc lợi dụng mạng xã hội có khả năng tạo "trend" (xu hướng) và lan rộng với tốc độ nhanh chóng, nhiều kẻ xấu đã tạo ra các nội dung tin nhắn giả mạo chat qua lại giữa cá nhân với nhau, hay các nhân với quản trị viên doanh nghiệp, nhằm mục đích gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân và doanh nghiệp trong thời gian qua.
Trong đó, những tin nhắn qua lại giả mạo này thường nhắm đến những người nổi tiếng trên mạng, các doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng truyền thông hay cả các thầy, cô giáo đang dạy ở các trường Trung học hoặc Đại học… Những nội dung tin nhắn chat qua lại này thường liên quan đến các vấn đề “nhạy cảm” như tiền bạc, gạ tình đổi điểm…
Ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc công ty truyền thông Buzi cho biết, tác hại của các tin nhắn giả mạo được tung lên Facebook là rất rõ ràng và ngày càng trở thành một công cụ nguy hiểm trong việc tấn công cá nhân hoặc doanh nghiệp với mưu đồ xấu. Đối với cá nhân thì những tin nhắn giả mạo làm đảo lộn cuộc sống cá nhân, thậm chí hủy hoại các mối quan hệ gia đình. Người bị tấn công thường chịu công kích về mặt tinh thần cũng như áp lực từ cộng đồng mạng rất lớn vì những thứ họ chưa từng làm hoặc chưa từng biết tới.
Đối với doanh nghiệp thì thiệt hại không dừng lại ở tinh thần mà còn cả vật chất khi các khách hàng tiềm năng sẽ dè dặt nếu muốn hợp tác, hoặc cụ thể hơn là giá trị công ty sẽ bị mất đi rất nhiều. Cho dù sau đó doanh nghiệp có nỗ lực cỡ nào thì cũng sẽ khó và khá lâu để khôi phục lại uy tín và vị thế ban đầu.
Góp phần vào việc này có thể kể đến đóng góp không nhỏ của một đại bộ phận người dùng mạng xã hội có xu hướng và sở thích công kích cá nhân, doanh nghiệp một cách mù quáng mà không kiểm tra thông tin một cách kỹ lưỡng. Nên khi các tin nhắn giả mạo xuất hiện thì nhóm người dùng này sẽ lập tức “ném đá” và chia sẻ mà không cần suy nghĩ. Đây là một thực trạng rất đang quan ngại về văn hóa hành xử trên mạng xã hội.
Ông Huỳnh Lê Khánh, Giám đốc điều hành Golden Communication Group từng chứng kiến một tài khoản ảo tạo dựng nên một bài viết sai lệch về một thanh niên đang được quan tâm trong một chiến dịch. Sau đó, tài khoản ấy chia sẻ bài viết của mình vào các nhóm có lượng thành viên đông, và có xu hướng chống đối đến đề tài mà thanh niên đó phát biểu. Và các thành viên trong nhóm này bắt đầu thảo luận tiêu cực và chia sẻ về trang mình những thông tin diễn dịch sai lệch một cách có chủ đích. Và cứ như thế những thông tin đó được truyền đi. Khi kiểm tra lại nguồn tin ban đầu thì tài khoản ảo đấy đã xoá bài viết của mình. Và đây là một chiêu thức không mới mẻ để đánh vào một cá nhân hay doanh nghiệp.
“Rõ ràng rằng chúng ta thấy nó gây ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với danh dự, uy tín của một cá nhân hay tổ chức. Những thông tin thiếu, thông tin sai đó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, ở khía cạnh gây mâu thuẫn, chia rẽ và kích động những hành động thù địch cá nhân, tổ chức, giới tính, phe phái…”, ông Khánh nhấn mạnh.
Để đối phó với vấn đề ngụy tạo tin nhắn theo ông Nguyễn Duy Vĩ, ngoài việc doanh nghiệp và cá nhân cần sử dụng mạng xã hội một cách cẩn thận hơn như tránh để lộ quá nhiều về đời sống riêng tư, tránh đưa những thông tin tiêu cực về bản thân hay doanh nghiệp mình. Về phía doanh nghiệp thì cần có các công cụ để rà soát thông tin trên mạng xã hội và phối hợp chặt chẽ các cơ quan truyền thông báo chí cũng như các cơ quan quản lý để có thể xử lý các tin nhắn giả mạo một cách hiệu quả và kịp thời.
Ông Huỳnh Lê Khánh, cũng chia sẻ, trên thế giới cũng đã có nhiều nghiên cứu và đề nghị về cách thức để hạn chế các vấn đề này. Một số giải pháp được đặt ra là nâng cao giá trị thông tin, nâng cao sự phức tạp của một lần chia sẻ thông tin, tạo hệ thống kiểm tra thông tin. Các trung tâm kiểm tra sự thật (Fact-check) được thiết lập cũng sẽ giúp người dùng mạng xã hội có cơ sở đối chiếu thông tin. Bên cạnh đó, việc khuyến nghị mỗi cá nhân, tổ chức cần thiết lập được hệ thống hiện diện trên nền tảng kỹ thuật số (digital footprint) của mình mạnh mẽ, thông tin thường xuyên và đúng lúc cho các đối tượng liên quan của mình cũng là một điều cần thực hiện. Và cuối cùng, vai trò của các hãng thông tấn, báo chí lớn ở mỗi quốc gia cần có cơ sự phản ứng nhanh với tin giả, giúp người đọc có được nguồn thông tin tốt, đúng thì sẽ giúp định hướng lại được dư luận, đúng theo bản chất và vai trò quý báo của báo chí chính thống.
Về vấn đề này anh Nguyễn Đức Khôi cho rằng, điều đầu tiên mọi người cần phải hiểu chỉ là một tin nhắn hay đoạn chat trên mạng xã hội thì không phải là bằng chứng, người dùng không nên tin vào đó. Nó sẽ là sự thật nếu như chúng ta có trong tay điện thoại của 2 người thì mới chính xác. Cho nên, với những thông tin dạng này chỉ có cơ quan chức năng, hay lực lượng an ninh mạng mới có thể kiểm tra được.
“Nhiều khi người ta bảo bị hacker tấn công hay mất điện thoại thì không thể nào xác minh các trường hợp này”, anh Khôi cho biết.