Tìm lời giải về nguồn thu cho báo chí Việt Nam

Thứ năm, 23/07/2020 10:28

Nhiều cơ quan báo chí đã sụt giảm doanh thu đến 50%, thậm chí 60-70% do tác động của dịch Covid-19. Do vậy, nhiều mô hình kinh doanh đang được cân nhắc nhằm tìm ra lời giải cho báo chí Việt Nam.

20200723-Nam-2.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, để vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị, vừa bắt kịp xu thế của thời đại, báo chí phải ứng dụng các giải pháp về công nghệ. 
 
Những nội dung này đã được đưa ra bàn thảo tại diễn đàn "Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí" do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức sáng 22/7 tại Quảng Ninh.
 
Báo chí Việt mất 50 - 70% doanh thu trong nửa đầu năm 2020
 
Ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho hay: Các cơ quan báo chí đang đối mặt với nhiều khó khăn bởi sự sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo, ngân sách và doanh thu bán báo. 
 
Thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều cơ quan báo chí sụt giảm đến 50%, thậm chí 60-70% doanh thu do tác động của dịch Covid-19. 
 
Nhiều tòa soạn đứng trước nguy cơ bị giải thể hoặc thu hẹp mô hình hoạt động. Một số tờ báo phải xoay xở bằng việc tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Facebook, Google. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “giật tít câu view", gây mất niềm tin cho độc giả.
 
Bên cạnh đó, thói quen độc giả thay đổi cùng sự áp đảo của truyền thông xã hội khiến các cơ quan báo chí mất dần người đọc. Các cơ quan báo chí đang mất dần khả năng kiểm soát phân phối tin tức. 
 
Trước đây, nguồn thu được người dùng trả trực tiếp cho các cơ quan báo chí, tuy nhiên ngày nay, một phần tiền lớn được trả thông qua Google, Facebook. 
Có thể thấy, hạ tầng phân phối nội dung và quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới đang ngày càng lấn át các cơ quan báo chí truyền thống. 
Những yếu tố này đã tác động trực tiếp tới sự phát triển của báo chí Việt Nam. Và vì vậy, báo chí truyền thống đang đứng trước thời điểm phải chuyển mình và thay đổi. 
 
Lối đi nào cho báo chí Việt Nam?
 
Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, để vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị, vừa bắt kịp xu thế của thời đại, báo chí phải ứng dụng các giải pháp về công nghệ và có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, cũng như từ các nhà mạng viễn thông. 
 
Quan trọng nhất, các cơ quan báo chí phải có sự đồng thuận, liên kết nhằm tạo ra sức mạnh chung chống lại sự lấn át của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google.
 
Điều này cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tại diễn đàn Báo chí và Công nghệ năm 2019: “Công nghệ sẽ tạo ra cuộc chơi mới, mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có biến động rất mạnh, đặt báo chí trước hoàn cảnh khốc liệt để tồn tại và phát triển. Vì thế, quá trình tìm lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí.”.
 
Theo Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), các tòa soạn đang sở hữu một nguồn tài nguyên dồi dào nhưng chưa khai thác hợp lý hoặc đang "bán lúa non" cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nguồn tài nguyên này chính là dữ liệu. 
 
Lượng dữ liệu khổng lồ mà các nền tảng nước ngoài thu thập được từ người dùng Việt Nam cung cấp cho họ cách thức quảng cáo hiệu quả hơn. Việc sử dụng nền tảng quảng cáo nước ngoài cũng đồng nghĩa các tòa soạn đang dẫn người đọc “cống nạp" dữ liệu cho các nền tảng xuyên biên giới. 
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ giúp báo chí Việt Nam chuyển đổi mô hình hoạt động, từ đó tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Chuyển đổi số ở đây là việc sử dụng công nghệ làm nền tảng để tìm kiếm mô hình kinh doanh mới, từ đó tạo ra những giá trị mới, doanh thu và cơ hội kinh doanh.
 
Để chuyển đổi mô hình doanh thu, các tòa soạn cần nâng cao chất lượng nội dung và giảm chi phi phí vận hành, sản xuất, phân phối. Bên cạnh đó, báo chí truyền thống cần có công cụ giúp hiểu thị hiếu và hành vi của độc giả để cá nhân hóa thông tin. 
 
Ngoài ra, các tờ báo cần phải có mô hình quảng cáo hiệu quả. Điều này chỉ có thể thực hiện bằng cách ứng dụng công nghệ vào việc quản lý vận hành và sản xuất nội dung, đưa nội dung tiếp cận tới độc giả. 
 
Tại Việt Nam, hiện đã có một số cơ quan báo chí thu phí người đọc báo điện tử, tuy vậy, số lượng này rất nhỏ. Đây sẽ là một trong những lời giải cho bài toán nhằm giúp báo chí Việt Nam tìm kiếm mô hình kinh doanh mới. Để làm được điều đó, phải có sự kết hợp giữa cơ quan báo chí và các doanh nghiệp công nghệ. 
Thu phí độc giả báo điện tử như thế nào?
Ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: Sai lầm của chúng ta là cho đi miễn phí mọi thông tin trên Internet. Điều này đã khiến cho báo chí lâm vào tình cảnh khó khăn về nguồn thu như hiện nay. Do đó, cần tìm ra cách thức để báo chí kinh doanh, tồn tại và phát triển, một trong những biện pháp đó là áp dụng tường phí (paywall).

Ông Phạm Văn Hiếu - Phó Tổng biên tập báo Tin nhanh Việt Nam (VnExpress): Việc thu phí độc giả online là xu hướng tất yếu. Tuy vậy, để thu phí báo điện tử cần phải dựa trên 3 yếu tố là nền tảng, chất lượng nội dung và phương thức phân phối sản phẩm.
 
Diễn đàn này nằm trong khuôn khổ dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024". Đây là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường.
 

 

Trọng Đạt (vietnamnet)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top