Tìm kiếm những ý tưởng trò chơi bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Thứ tư, 29/03/2023 18:49

Ngày 8/9, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Cục ATTT (Bộ TT&TT) đã tổ chức lễ phát động cuộc thi Sáng tạo ý tưởng trò chơi về chủ đề bảo vệ trẻ em. Cuộc thi nhằm thúc đẩy ý tưởng xây dựng trò chơi trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho trẻ em trên Internet.

 Đồng thời, cuộc thi cũng giúp thúc đẩy nhận thức của cộng động và bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến và ngoại tuyến. Đây là một phần hoạt động của dự án "Tăng cường hiệu quả của Hệ thống bảo vệ trẻ em tại Việt Nam" do ChildFund Việt Nam, ChildFund Hàn Quốc và công ty Bảo hiểm Nhân thọ Hanwha Life tài trợ.

Kỳ vọng tạo ra những sản phẩm mang tính chất lan toả

Chia sẻ tại sự kiện, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em cho biết, bảo vệ trẻ em là vấn đề được cơ quan nhà nước rất quan tâm để tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, việc này không dừng lại ở việc xử lý các sự việc đã xảy ra mà cần phải có các biện pháp nỗ lực phòng ngừa. Để phòng ngừa tốt, cần phải trang bị các kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng xã hội, gia đình và cho chính trẻ em về các nguy cơ xâm hại, nhất là việc ứng phó. 

"Để làm được việc này, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông. Sự kiện hôm nay chính là một trong số các biện pháp để tăng cường, đổi mới các hoạt động truyền thông liên quan bảo vệ trẻ em", ông Nam nhấn mạnh.

Từ phía cơ quan quản lý, Cục trẻ em sẽ tiếp cận môi trường trực tuyến theo 2 góc độ. Đầu tiên, xác định không gian mạng là một không gian tích cực, để học tập, chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tốt. Qua đó, ông Nam kì vọng cuộc thi này sẽ tạo ra những sản phẩm có sức lan toả và ảnh hưởng trên không gian mạng, để truyền tải việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ có thể có.

Mặc dù vậy, ông Nam cũng cho rằng, không gian mạng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Vì vậy, cần phải tạo một môi trường mạng lành mạnh, ít "rác". Để làm được điều này, các đơn vị liên quan cần xây dựng những sản phẩm, như các trò chơi trực tuyến, có thông tin tích cực, từ đó dần đẩy lùi những thông tin tiêu cực, vi phạm pháp luật…ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của trẻ em. "Vì vậy, việc triển các trò chơi trực tuyến để qua đó chia sẻ những thông tin, kiến thức, kỹ năng tốt, tăng cường bảo vệ trẻ em là một ý tưởng tốt, cần được duy trì lâu dài", ông Nam khằng định.

Chính vì thế, Cục trẻ em mong muốn cuộc thi này sẽ được lan toả nhanh, thu hút nhiều đơn vị tham gia và có nhiều sản phẩm. Cuộc thi này là mở đầu cho việc truyền thông bảo vệ trẻ em, để mọi trẻ em có một cuộc sống an toàn, giảm thiểu những nguy cơ.

Trang bị những kiến thức, kỹ năng để trẻ em trở thành công dân toàn cầu

Theo ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục ATTT, không gian mạng đã và đang trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ em là những đối tượng đang sử dụng công nghệ vào trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. 

Bên cạnh tác động tích cực, không gian mạng cũng ngày càng xuất hiện nhiều cạm bẫy khó lường. Theo báo cáo của tổ chức Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích & Bị bóc lột (National Center for Missing & Exploited Children - NCMEC) năm 2021, Việt Nam cũng là một trong những nước trong khu vực ASEAN có nhiều báo cáo nhất về hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Theo Báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố vào ngày 03/08/2022 vừa qua, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. Hoạt động trực tuyến phổ biến nhất của trẻ em là học tập; vui chơi giải trí và kết nối liên lạc với bạn bè người thân. Đáng lưu ý, báo cáo khảo sát cũng đưa ra thông tin 49% trẻ em sử dụng internet để chơi điện tử ít nhất 1 tuần/lần. 

"Thực tế đó cho thấy, không gian mạng đang có ảnh hưởng quan trọng thế nào đối với sự phát triển của trẻ em", ông Tuân khẳng định.

Cũng theo ông Tuân, ngày 01/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg về Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025". Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Chương trình ở cấp quốc gia riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Quyết định 830/QĐ-TTg không chỉ tập trung vào vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mà còn mong muốn thúc đẩy phát triển các sản phẩm, ứng dụng, công cụ, trong đó có các trò chơi trực tuyến để giúp để trẻ em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả và an toàn.

Ông Tuân cho biết, hiện nay, việc trẻ em chơi các trò chơi trực tuyến là nhu cầu tất yếu và có xu hướng ngày càng gia tăng. Chơi các trò chơi trực tuyến có giới hạn, trong tầm kiểm soát được ghi nhận có lợi ích trong việc tăng cường các kỹ năng về trí tuệ chẳng hạn như thị giác không gian, lập luận và trí nhớ. Chơi các trò chơi trực tuyến một cách trực quan, sinh động, lành mạnh sẽ là hình thức giúp trẻ tiếp cận nhanh chóng tới các kiến thức, kỹ năng cần thiết, đặc biệt là với các kỹ năng để có thể tự bảo vệ trên không gian mạng. 

20230522-pg21.jpeg

"Chúng ta vẫn thiếu các trò chơi trực tuyến của người Việt, đặc biệt là các trò chơi giúp bảo vệ trẻ em, cũng như hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng", ông Tuân nói.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một cuộc thi xây dựng các ý tưởng sáng tạo về chủ đề bảo vệ trẻ em. "Thông qua cuộc thi chúng ta không chỉ tìm kiếm được các ý tưởng xây dựng sản phẩm game hữu ích cho trẻ em mà còn đóng góp cho sự phát triển nền công nghiệp sản xuất game của nước nhà, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái các sản phẩm, trò chơi về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng", ông Tuân kết luận.

Đối tượng tham gia cuộc thi bao gồm công dân Việt Nam có đam mê về sáng tạo ý tưởng trò chơi trực tuyến trên toàn quốc, có thể tham gia theo hình thức thi cá nhân hoặc một đội. Thời gian cuộc thi bắt đầu từ ngày 8/9 và kết thúc vào tuần 3 tháng 10/2022. 

Bài thi được thể hiện dưới dạng viết và hình ảnh (graphics) (hoặc video dưới 2 phút) bao gồm mô tả các mô hình, giải pháp công nghệ cụ thể, giao diện, thiết kế gameplay (cách người chơi tương tác cụ thể với một trò chơi và cụ thể là với các trò chơi điện tử video). Bài thi thể hiện ý tưởng và giải pháp về trò chơi trên ứng dụng điện thoại với chủ đề mang tính giáo dục về Bảo vệ trẻ em trên cả môi trường trực tuyến, ngoại tuyến: Cách nhận biết rủi ro về an toàn; Khi gặp rủi ro cần xử lý như thế nào.

Các vòng thi của cuộc thi bao gồm: Vòng sơ loại, các thí sinh gửi bài thi trực tuyến trên website từ ngày 8/9 – 4/10; Vòng bình chọn trên website từ ngày 5-19/10; Vòng chung kết và trao giải dành cho 10 ý tưởng hay nhất, thuyết trình trước ban giám khảo trong buổi lễ dự kiến diễn ra vào tuần 3 tháng 10.

Về giải thưởng, sẽ có 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng, 2 giải Nhì trị giá 10 triệu đồng/giải, 3 giải ba trị giá 5 triệu đồng/giải, 3 giải khuyến khích 3 triệu đồng và 1 giải ươm mầm tài năng trị giá 3 triệu đồng.

Để dự thi, thí sinh/đội thi truy cập vào website Sangtaogame.tongdai111.vn vào phần "Đăng ký dự thi", lập tài khoản và điền đầy đủ thông tin cần thiết theo hướng dẫn. Mỗi thí sinh/đội thi chỉ được đăng ký duy nhất 1 tài khoản dự thi, bảo đảm thông tin chính xác theo mẫu của Ban tổ chức./.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top