Tìm đầu ra cho bản quyền sách Việt

Thứ tư, 04/08/2021 17:02

Bán bản quyền sách đang được giới xuất bản, phát hành sách trong nước quan tâm, khai thác thời điểm đại dịch Covid-19. Thời gian qua, đã có nhiều tác phẩm trong nước được xuất bản ra thế giới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có những tác phẩm văn học đề tài chiến tranh cách mạng, thiếu nhi…

7-1627844093094.jpg

Bìa cuốn sách Chang hoang dã - gấu được bán bản quyền ở nhiều quốc gia.

Theo thống kê từ các đơn vị xuất bản, phát hành sách, mỗi năm, trung bình một đơn vị có thể mua bản quyền đến hàng trăm tựa sách nước ngoài, nhưng số lượng sách trong nước được bán bản quyền vẫn ít ỏi. Hai năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19, doanh thu phát hành giảm mạnh, việc mua bản quyền sách nước ngoài đã hạn chế hơn, thay vào đó nhiều đơn vị đẩy mạnh khai thác bản thảo và bán bản quyền tác phẩm trong nước. Các nhà xuất bản và công ty sách trong cả nước đã đưa nhiều tác phẩm xuất bản ra thế giới, tiêu biểu như: Truyện Kiều, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Dế Mèn phiêu lưu ký, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Cánh đồng bất tận, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ...

Hiện nay, đã có những đơn vị tạo được uy tín trong vấn đề bán bản quyền sách, như các nhà xuất bản: Thế giới, Trẻ, Kim Đồng hay Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam. Bên cạnh đó, một số tác giả là nhà văn tên tuổi như: Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái… cũng hợp tác với các nhà xuất bản nước ngoài xuất bản tác phẩm của mình. Trong số tác giả trong nước có nhiều tác phẩm được bán bản quyền, nổi bật là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Ngoài những tác phẩm nổi tiếng đã khẳng định được chất lượng và sức lan tỏa trong đời sống văn học, các nhà xuất bản còn khai thác bản quyền các tác phẩm mới, đa dạng về thể loại. Gần nhất, Nhà xuất bản Kim Đồng có sách tranh Lược sử nước Việt bán cho đối tác ở Trung Quốc và Hàn Quốc, Đúng là Tết - This is Tết bán cho Đức, 15 bí kíp giúp tớ an toàn: Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em bán cho Philippines, Chang hoang dã - Gấu bán cho Nhà xuất bản Pan Macmillan của Anh và nhượng quyền cho năm nước, bao gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà xuất bản Thế giới vừa hoàn thiện bản dịch tiếng Tây Ban Nha cho tác phẩm Việt Nam - cuộc chiến sinh tử chống Covid.

Câu chuyện bán bản quyền sách ra nước ngoài chủ yếu thông qua việc kết nối từ các hội chợ sách quốc tế, trung gian bản quyền, nền tảng số… Để bán được bản quyền, nhà xuất bản hoặc chính tác giả phải có sự chủ động trong giới thiệu, kết nối, tuân thủ các thủ tục khi hợp tác với nước ngoài. Đa số nội dung sách bán bản quyền đều có yếu tố văn hóa, xã hội, đặc điểm tự nhiên của Việt Nam. Bộ truyện tranh dân gian Việt Nam hay sách tranh Lược sử nước Việt được các nước châu Á đón nhận, nhất là ở những nước có nhiều người Việt Nam sinh sống. Đại diện các nhà xuất bản cho biết, đối tác nước ngoài mua bản quyền chú trọng không chỉ chất lượng nội dung tác phẩm mà chú ý tới cả hình thức, trong đó có bố cục trình bày, minh họa. Sách tranh hoặc sách có nhiều minh họa mang đến sự thuận lợi để bạn đọc quốc tế tiếp cận tác phẩm và thông điệp được truyền tải. Những năm gần đây, đang có một đội ngũ họa sĩ trẻ cộng tác tích cực với nhiều nhà xuất bản lớn trên thế giới, đồng thời góp phần nâng cao mặt bằng minh họa sách trong nước, tạo tiềm năng để các Nhà xuất bản khai thác.

Để vấn đề bán bản quyền sách ra nước ngoài quy củ và hiệu quả hơn, giới chuyên môn xuất bản đề xuất các đơn vị cần có bản dịch tiếng Anh hoặc khai thác các tác phẩm viết bằng tiếng Anh để quá trình chào bán nhanh chóng hơn. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, nhiều hội sách quốc tế bị hủy hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến, các đơn vị xuất bản, phát hành cần thích ứng nhanh chóng, không ngừng học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm và nắm bắt thời cơ giao dịch với đối tác. Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, ngành xuất bản đang định hướng chú trọng tới vấn đề quản lý và thúc đẩy mua - bán bản quyền sách. Bên cạnh việc quảng bá bản sắc văn hóa, con người Việt Nam thì những tác phẩm mang tính thời sự, xã hội nóng hổi nhất và cập nhật xu hướng thế giới quan tâm như: Phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần… sẽ được quan tâm, sát sao hơn. Việc đẩy mạnh nền tảng số, phát triển dịch vụ truyền thông quảng bá, liên kết giữa các đơn vị, chính sách hỗ trợ xuất khẩu văn hóa thông qua sách cũng là vấn đề cần được chú trọng và đẩy mạnh.

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top