Sàn TMĐT với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản.
Liên kết đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, từ những tháng đầu năm 2022, ngành chức năng tại các tỉnh, thành như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Bình Định, Cần Thơ… đã ban hành các Kế hoạch về xúc tiến tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử, đồng thời phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.
Những tỉnh, thành phố này cũng đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong kết nối sở, ngành địa phương với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên hay Bắc Kạn là các tỉnh, thành có thế mạnh về các mặt hàng nông đặc sản địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng như vải thiều, mận hậu, xoài, dâu tây, bưởi, nhãn lồng, bí xanh...
Ngoài những nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương, nhiều cá nhân như nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... đã chủ động "chào hàng trực tuyến” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Đặc biệt, không ít đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản đã nhanh chóng hòa cùng dòng chảy chung của thị trường thương mại điện tử đang ngày càng trở thành kênh mua sắm phổ biến của người tiêu dùng.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, hợp tác xã địa phương không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, tuy nhiên còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào vận hành, logistics.
Mặt khác, sự kết nối chuỗi cung ứng từ sản xuất đến người tiêu dùng đã và đang trở thành "chìa khóa" hiện thực hóa mô hình nông nghiệp hiện tại tại Việt Nam trước tác động của dịch Covid-19 trong thời gian qua. Trong đó, có thể kể đến mô hình quản trị nông nghiệp mới mang tên 3F, gồm Feed-Farm-Food (từ trang trại đến bàn ăn), với mục tiêu cốt lõi tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng và vận chuyển đến tay người tiêu dùng, nhưng vẫn đảm bảo độ tươi ngon như khi còn ở trang trại.
Cùng với đó, là sự nhập cuộc của người nông dân, kênh thương mại điện tử và đơn vị vận chuyển đã tạo nên sự liên kết bền vững giúp hiện thực hóa mô hình 3F. Đặc biệt, giải quyết những tồn tại bất cập trong kết nối từ cung đến cầu trong chuỗi cung ứng cho người nông dân.
Hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian qua cơ quan nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị đối tác liên quan tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử và các hoạt động phát triển thị trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm Việt.
Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đề xuất một số phương án hợp tác giữa các bên. Theo đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics sẽ cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp địa phương về điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vào sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, những đơn vị này còn hỗ trợ địa điểm và tư vấn tổ chức các chương trình quảng bá nông sản, xây dựng các chương trình khuyến mại, hoặc các buổi giới thiệu trực tuyến kết hợp trực tiếp tại sàn thương mại điện tử.
Đối với các sản phẩm chưa đủ điều kiện đưa vào hệ thống ngay, các sàn thương mại điện tử sẽ tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất hoàn thiện những điều kiện, thủ tục trong thời gian nhanh nhất.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị sở, ban ngành tại các tỉnh, thành triển khai các hoạt động tập huấn đào tạo kỹ năng kinh doanh trực tuyến, phát triển thương mại điện tử, các hội nghị tại các tỉnh thành khác như Bình Định, Cần Thơ. Đồng thời, kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn để hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc sản nông sản vùng miền lên sàn
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chủ trương chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong đó, hoạt động chuyển đổi số nông nghiệp là nằm trong nhóm được Chính phủ quan tâm bậc nhất.
Nhằm đào tạo, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh chuyển đổi số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục phối hợp địa phương và các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng các giải pháp số, tài chính số trong phát triển sản xuất, kinh doanh theo các mô hình hiện đại.
Là doanh nghiệp luôn đồng hành với nông dân giúp tiêu thụ sản phẩm trên môi trường thương mại điện tử, đại diện sàn thương mại điện tử Voso chia sẻ, sàn thương mại điện tử Voso đã luôn đồng hành cùng với các đơn vị liên quan, các bộ, ban, ngành trong các hoạt động đào tạo và tập huấn để hỗ trợ các hoạt động về thương mại điện tử cho nông dân.
Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Postmart, Sendo, Postmart, Tiki, Shopee, Lazada… hiện cũng đang triển khai nhiều chương trình mở rộng nhà cung cấp sản phẩm Việt, tổ chức tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, đặc sản địa phương và nông sản một mặt đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương ứng dụng thương mại điện tử ở khắp các tỉnh, thành phố, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh, sẵn sàng thay đổi và thích ứng với công nghệ số thời 4.0.