Tăng trưởng xanh - nhân tố quan trọng của phát triển bền vững
Tăng trưởng xanh là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Với tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012. Chiến lược nêu 03 nhiệm vụ trọng tâm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh. Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.
Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tiếp đến, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, đề ra 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành mới, hoặc bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh.
Với sự triển khai đồng bộ, quyết liệt, hoạt động tăng trưởng xanh tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Nhận thức của cộng đồng về tăng trưởng xanh ngày càng được nâng lên. Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố. Đặc biệt, việc triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đã được thực hiện rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực. Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của nước ta đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần.
750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh
Góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, việc xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn “xanh” có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Tiêu chuẩn thế giới (14/10) và hưởng ứng Ngày tiêu chuẩn thế giới năm 2020 tại Việt Nam đã lựa chọn chủ đề “Tiêu chuẩn thúc đẩy tăng trưởng xanh”.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, với sự ra đời và song hành của các tiêu chuẩn, đặc biệt là những tiêu chuẩn “xanh”, các doanh nghiệp có thể có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên - nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính... Chủ đề “Tiêu chuẩn thúc đẩy tăng trưởng xanh” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của các tiêu chuẩn trong việc vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã bao phủ gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội: từ các tiêu chuẩn cho sản phẩm hàng hóa cụ thể; các tiêu chuẩn liên quan đến quá trình sản xuất; các tiêu chuẩn cho quá trình canh tác, trồng trọt; các tiêu chuẩn cho các sản phẩm hữu cơ; đến các nhóm tiêu chuẩn phục vụ cho việc thúc đẩy, xây dựng các đô thị thông minh… Hiện đã có tổng cộng gần 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được xây dựng. Trong đó, tỉ lệ hài hòa của tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam so với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực là gần 60%, theo đúng mục tiêu và tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Đặc biệt, trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh. Trong đó, có thể kể đến một số tiêu chuẩn quốc gia tiêu biểu đang góp phần thúc đầy tăng trưởng xanh như:
Bộ tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý môi trường TCVN ISO 14000, gồm 35 TCVN về hệ thống quản lý môi trường, đánh giá môi trường, nhãn môi trường, đánh giá vòng đời sản phẩm, quản lý khí nhà kính và các hoạt động liên quan.
Bộ tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo Quyết định 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm 27 TCVN áp dụng cho 21 phương tiện, thiết bị.
Bộ tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước quy định hiệu quả sử dụng nước của sản phẩm, thiết bị sử dụng nước tiết kiệm được chia thành ba cấp để phản ánh mức độ tiết kiệm nước.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13114:2020 Chất dẻo có khả năng tạo compost - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đưa ra các yêu cầu để chất dẻo có khả năng tạo phân compost, giúp giảm thiểu về vấn đề rác thải nhựa hiện nay.
Thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục xem xét, rà soát các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và nâng tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, phấn đấu đạt 70% vào năm 2030. Trong đó, tập trung xây dựng các tiêu chuẩn mang tính chất thân thiện với môi trường bởi tiêu chuẩn “xanh” chính là lợi thế giúp cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài, ví dụ như rào cản đối với các sản phẩm có sử dụng chất gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến các nguyên liệu, nhiên liệu mới thay thế cho nguồn nhiên liệu khoáng; năng lượng tái tạo; hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm thiết bị sử dụng điện; tái sử dụng nước thải; tái chế chất thải; các sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước; các công nghệ thân thiện với môi trường; bao bì phân hủy sinh học… Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về ứng phó biến đổi khí hậu như tiêu chuẩn về định lượng và kiểm kê khí nhà kính cho các ngành công nghiệp, điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh thế hệ mới thay thế các môi chất lạnh cũ có chứa các chất làm suy giảm tầng ozone…