Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, các chuyên gia, báo cáo viên đã cung cấp những thông tin cần thiết về công tác nhân quyền cho báo chí. Theo đó, ông Phạm Văn Ba, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ đã trình bày báo cáo tình hình nhân quyền trong tháng; bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) trình bày chuyên đề “Dấu ấn Việt Nam với tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016”; ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng nhóm đàm phán về lao động trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định TPP), Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trình bày chuyên đề “Các cam kết về lao động và quan hệ lao động của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương”; bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trình bày chuyên đề “Cập nhật các nỗ lực và thành tựu nổi bật trong bảo đảm quyền trẻ em của Việt Nam”.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị, cần nâng tầm hoạt động chỉ đạo thông tin tuyên truyền về nhân quyền; có cơ chế, bộ máy thống nhất trong việc cung cấp thông tin về nhân quyền cho các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo thực thi quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm đến người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, qua các lần tổ chức, hội nghị đã đáp ứng nhu cầu thông tin của cơ quan báo chí về vấn đề nhân quyền nói riêng và thông tin đối ngoại nói chung là rất lớn. Do đó, Bộ TT&TT là cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Thứ trưởng đề nghị, trong những hội nghị sau, Cục Thông tin đối ngoại nên có báo cáo tổng hợp, đánh giá cụ thể trong việc cung cấp thông tin cho báo chí về vấn đề nhân quyền, cái gì đã làm được và chưa làm được, những vấn đề mà các cơ quan báo chí cần rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền.
Thứ trưởng cũng lưu ý, vấn đề nhân quyền thâm nhập hết vào các lĩnh vực trong đời sống xã hội cho nên rất dễ bị các thế lực, các phần tử xấu lợi dụng để gây sức ép đối với chúng ta, kích động, chia rẽ trong nội bộ, vì vậy, phóng viên viết về lĩnh vực đó phải hết sức tỉnh táo. Các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với Bộ TT&TT cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, tránh tình trạng thụ động. Đồng thời, tại các buổi cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí, các cơ quan có liên quan cần biên soạn thành tài liệu (nếu được các cơ quan thẩm định thống nhất đồng ý) cung cấp cho báo chí để họ đăng tải và cái gì không nên đưa thì cũng trao đổi thẳng thắn đối với báo chí./.