Tả Thàng - xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện
Tả Thàng là một xã vùng cao nằm ở phía Nam của huyện Mường Khương - tỉnh Lào Cai. Trong số 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Khương thì Tả Thàng “đứng đầu” xếp hạng với 56% hộ nghèo với thu nhập bình quân đầu người năm 2019 mới đạt hơn 13,1 triệu đồng/năm.
Dù nằm trên tuyến đường huyết mạch của dãy Hoàng Liên Sơn 2, cách thị trấn Mường Khương chỉ 2 giờ xe chạy nhưng do địa hình đi lại hiểm trở, khó khăn, việc giao thương giữa Tả Thàng với bên ngoài hay từ bên ngoài vào Tả Thàng đều không thuận lợi so với các xã khác.
Tuy nhiên, những cách trở về giao thông không phải là khó khăn duy nhất với người dân nơi đây. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai, Tả Thàng là một xã có thời tiết khắc nghiệt, quanh năm đầy giá lạnh. “Chỉ trừ 2 thôn ven sông Chảy, còn lại 70% diện tích của xã chìm trong sương mù giá lạnh, rất khó khăn để phát triển kinh tế. Thời tiết khắc nghiệt nên bà con muốn trồng cây hay nuôi con gì cũng khó, bởi không kịp theo dõi thời tiết là mất trắng ngay”. - Ông Thào Sùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã thở dài chia sẻ.
Thời tiết đã không ủng hộ, người dân Tả Thàng còn phải đối mặt với khó khăn của địa hình chia cắt nên diện tích đất canh tác rất ít. Xã có 30 ha lúa nước, tương đương với diện tích của một thôn vùng thấp ở huyện Bảo Thắng. Cây lúa nương vẫn là nguồn lương thực quan trọng của người dân, tuy nhiên diện tích cũng không đáng là bao, cả xã chỉ có 40 ha. Sản xuất nông nghiệp ở Tả Thàng phần lớn tập trung vào cây ngô nhưng do sản xuất một vụ nên chỉ đủ để bà con phục vụ chăn nuôi.
Nghèo đói, thiếu thốn cộng với trình độ dân trí thấp khiến cho khiến cho đời sống của người dân trên địa bàn xã vô cùng khó khăn. Đặc biệt, nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ lại càng phải gánh chịu nhiều thiệt thòi từ tiếp cận giáo dục, y tế, dịch vụ an sinh xã hội cơ bản đến những công việc được trả lương. Do vậy, muốn thay đổi thân phận của người phụ nữ dân tộc thiểu số, trước hết phải bắt đầu từ việc tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống của họ.
Cuộc sống từng bước được cải thiện nhờ cây chè
Tuy gặp nhiều bất lợi với sản xuất nông nghiệp, nhưng Tả Thàng lại được trời phú cho khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc sinh trưởng và phát triển của những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đến nay, xã sở hữu hơn 16,5 ha diện tích cây chè Shan Tuyết cổ thụ, phân bố rải rác ở một số thôn như Bản Phố, Tả Thàng, Sú Dí Phìn. Chất lượng chè của Tả Thàng luôn được đánh giá cao hơn so với những vùng còn lại.
Đồng hành với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, thời gian vừa qua, xưởng thu mua và sản xuất của Tiên Thiên Trà đã góp phần đưa cây chè thành loại cây chủ lực trong chương trình phát triển kinh tế của Tả Thàng. Với kế hoạch thu mua khoa học, giá cả ổn định, có thời điểm đạt 500 nghìn đồng/kg búp chè tươi, Tiên Thiên Trà đã góp phần cải thiện hỗ trợ phát triển kinh tế của bà con bản địa nói chung, đặc biệt tạo nhiều điều kiện để phụ nữ dân tộc tại Tả Thàng - Lào Cai có một nguồn thu nhập ổn định từ cây chè.
Trước những bước ngoặt “thay da, đổi thịt” trong cuộc sống người dân các cấp đảng ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai đã đặc biệt ban hành Nghị quyết 10 của BTV Tỉnh uỷ về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khẳng định cây chè shan tuyết cổ thụ là một trong những cây trồng chủ lực của xã Tả Thàng. Phấn đấu đến năm 2025, toàn xã trồng mới 200 ha chè cổ thụ tại 03 thôn: Tả Thàng, Sú Dí Phìn và Bản Phố.
Hiện nay với nguồn thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống của những người phụ nữ dân tộc nơi đây ngày càng được cải thiện, tỉ lệ các bé gái được đến trường cũng tiếp tục tăng cao.
Trong thời gian tới đây, Tiên Thiên Trà sẽ tiếp tục cố gắng mở rộng sản xuất từ đó thúc đẩy tăng cường thu mua nguyên liệu góp phần tăng thu nhập cho người dân Tả Thàng nói chung và đặc biệt là người phụ nữ dân tộc nơi đây nói riêng./.