Ảnh minh họa
Việc thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đem lại giá trị to lớn cho đời sống của Nhân dân.
Từ khi triển khai Đề án 06 của Chính phủ đến nay, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của đề án để tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị mới, chưa có tiền lệ nên có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra để tiến tới xây dựng nền Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Việc xác định dữ liệu dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống" là một nội dung quan trọng để đảm bảo Cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, chia sẻ. Với tinh thần khẩn trương, cấp bách theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực, cố gắng thực hiện các giải pháp để đảm bảo cấp căn cước công dân (CCCD) cho 100% công dân đủ độ tuổi trên địa bàn. Tổ công tác của Công an cấp huyện đã đến tận nhà, thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho các trường hợp khó khăn, già yếu, bệnh tật, đảm bảo 100% số người khó khăn về di chuyển, đi lại trên địa bàn được thực hiện hồ sơ cấp CCCD…
Công tác xác minh, thực hiện cập nhật số chứng minh nhân dân 09 số còn 16.686 trường hợp; cần rà soát 342 trường hợp hộ không có chủ hộ; còn 188 trường hợp cần rà soát cập nhật thông tin đối với trẻ em đã đăng ký khai sinh chưa xác định nơi thường trú của cha, mẹ; rà soát, đề nghị xóa 1.467 trường hợp công dân nghi trùng thông tin...
Xác định dữ liệu dân cư là dữ liệu cốt lõi và là nền tảng quan trọng để phục vụ việc chia sẻ, kết nối dịch vụ công. Công an tỉnh Tiền Giang thực hiện nhiệm vụ với phương châm "càng nhanh, càng tốt", chậm nhất đến ngày 01/12/2022 phải đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" phục vụ kết nối, chia sẻ với các Bộ, ngành. Đặc biệt là tăng cường triển khai thực hiện dịch vụ công thiết yếu mức độ 3, mức độ 4 để giảm tối đa thời gian đi lại của công dân, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước trong công tác lưu trữ, bảo quản hồ sơ.
*Kết nối, chia sẻ dữ liệu
Đề án 06 đã xác định 07 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, bao gồm 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện và phân công trách nhiệm, mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể để đảm bảo tiến độ thực hiện Đề án 06.
Đối với 25 thủ tục hành chính ưu tiên tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Tiền Giang đã phát sinh hơn 44.990 hồ sơ, trong đó, thủ tục tiếp nhận thông báo lưu trú được cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn thực hiện nhiều nhất, với hơn 25.800 trường hợp. Một số thủ tục chưa ghi nhận phát sinh hồ sơ dịch vụ công như: Cấp phiếu lý lịch tư pháp; cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Bên cạnh đó, các sở, ngành đã sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD phục vụ công tác chuyên môn theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, Sở Y tế sử dụng CCCD dần thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trong khám, chữa bệnh, sử dụng số định danh cá nhân của công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tiêm vắc xin phòng Covid-19. Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã xác thực dữ liệu công dân trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính. Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng số định danh cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022...
Thời gian qua, BHXH tỉnh Tiền Giang đã thực hiện xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ số CCCD từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang cơ sở dữ liệu của ngành BHXH. Đến nay, BHXH tỉnh đã xác thực hơn 618.225 thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các thông tin nhân khẩu đã xác thực có thể dùng CCCD để khám, chữa bệnh BHYT. Đến nay, đã có gần 200 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện 55 ngàn lượt tra cứu thông tin BHYT qua CCCD và tra cứu thành công trên 24.000 lượt.
Ông Võ Oanh Liệt, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang cho biết, việc sử dụng CCCD và ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNeID) để đi khám, chữa bệnh BHYT thay thẻ BHYT giấy, giúp BHXH tiết kiệm nhiều chi phí như in ấn, phát thành thẻ và chi phí hành chính. Đồng thời, việc sử dụng CCCD và ứng dụng VNeID đã nâng cao chất lượng, tính chính xác dữ liệu của người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh, giảm trường hợp trùng thẻ BHYT, hạn chế gian lận và trục lợi Quỹ BHYT.
Việc thực hiện Đề án 06 đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân trong thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trên môi trường mạng, phục vụ tốt cho các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các nội dung của Đề án 06 một cách thực chất, hiệu quả; trong đó, ưu tiên tập trung vào các nội dung trọng tâm, phục vụ trực tiếp người dân, doanh nghiệp, như: Rà soát, làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"; tập huấn về tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính giải quyết hồ sơ dịch vụ công và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính…