Những ngày này, ngư dân Lê Ngọc Tình, chủ tàu QB93561TS (54 tuổi, trú xã Cảnh Dương, Quảng Trạch), xuống nơi neo đậu để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm Nhâm Dần. Ngoài tu sửa lại máy móc, ngư lưới cụ, ông Tình còn cẩn thận may lại hai túi lưới thu gom rác thải treo phía sau tàu cá.
Từ tháng 8-2020, ông Tình là một trong những ngư dân đi đầu trong việc thu gom rác thải trên tàu cá mang về bờ thay vì vứt bỏ xuống biển như trước. Theo ông, trước đây, ngư dân khi nấu ăn, hay uống xong chai nước, lon bia thường tiện tay ném xuống biển. Để hạn chế thói quen này, ông cho treo túi dựng rác sau tàu và động viên, nhắc nhở các thuyền viên chú ý để rác vào đó.
Tận dụng tấm lưới cũ không còn sử dụng, ông Tình may lại thành hai túi lớn để đựng rác thải sinh hoạt. Trong đó, một túi đựng rác tái chế như chai nhựa, vỏ lon nhôm, can dầu... Túi còn lại đựng rác thải không thể tái chế. "Cách làm đơn giản, không mất công sức, chi phí nhưng góp phần làm sạch môi trường biển, nơi mưu sinh của mình. Hơn nữa còn tiết kiệm được một khoản nhỏ từ rác tái chế để anh em liên hoan", ông Tình nói.
Mỗi chuyến biển, tàu của ông Tình đi từ 7 đến 20 ngày tùy vào thời tiết, luồng cá, và thường mang về bờ khoảng 10kg rác thải; tổng cả năm khoảng 100kg rác.
Tương tự, thuyền trưởng tàu QB 93688 TS Nguyễn Vinh Bảo cũng là một trong những ngư dân tiên phong tham gia thu gom rác thải trên tàu cá đưa vào bờ.
Ông Bảo nói: "Hiệu quả thấy rõ là âu tàu neo đậu sạch sẽ hơn khi các thuyền viên không còn vứt rác xuống". Sau thời gian dài áp dụng việc này đã tạo thành thói quen cho các thuyền viên khi đi biển.
Từ tháng 8-2020, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình xây dựng mô hình vận động ngư dân thu gom rác thải trên tàu cá xa bờ, chọn tổ trưởng ở các xã Quảng Văn, Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) và Đức Trạch (huyện Bố Trạch) làm điểm để nhân rộng. Mỗi tàu cá tự trang bị 2 túi đựng rác may từ lưới đánh cá hư hỏng, hoặc giỏ, xô nhựa.
Đến nay nhiều tàu cá tham gia phong trào này. Một số tàu còn vớt rác thải trôi dạt dưới biển họ bắt gặp khi đánh bắt, nhất là lưới đánh cá trôi nổi. Theo ông Hoàng Viết Thông, Phó chi cục Thủy sản Quảng Bình, lưới đánh cá trôi nổi rất nguy hại cho các loài nguy cấp, quý hiểm như cá heo, cá voi, rùa biển. Những loài này khi vướng lưới trôi nổi thì nguy cơ tử vong rất cao.
Sau gần hai năm triển khai, ngành thủy sản Quảng Bình vận động 400 tàu của 19 xã biển thu gom rác. Trung bình một năm mỗi tàu đánh bắt xa bờ mang về 100kg rác thải, tổng lượng rác thải được thu gom trong năm từ 3.500 đến 4.000 tấn.
Năm 2022, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình phấn đấu có 100% tàu cá đánh bắt xa bờ, tức 1.200 tàu cá, tham gia thu gom rác, đồng thời làm điểm thu gom rác thải nhựa tại cảng cá, khu nuôi trồng thủy sản.