Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số đồng chủ trì buổi làm việc.
Tham dự về phía đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính … và các thành viên thường trực Tổ Biên tập Đề án.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Về phía Bộ TT&TT có Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, lãnh đạo các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ: Viện Chiến lược TT&TT, Vụ Công nghệ thông tin, Vụ Bưu chính, Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Tin học hoá, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; đại diện lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Công nghệ CMC, Tập đoàn BKAV, đại diện các doanh nghiệp sản xuất phần cứng điện tử, các công ty phần mềm, các công ty về an toàn thông tin.
Về tầm nhìn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gói gọn trong cụm từ “Xanh - Số - An toàn”. Xanh là môi trường. Số là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, chuyển đổi số. An toàn là an sinh xã hội, việc làm, trật tự...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thực hiện Chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh thành đã có báo cáo về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 4 tổ chức quốc tế gồm WB, UNIDO, AFD, GIZ cũng đã có báo cáo chuyên đề phục vụ xây dựng Đề án.
Bộ TT&TT là bộ thứ hai Ban Chỉ đạo tới làm việc trực tiếp sau khi có dự thảo lần một của Đề án. Điều này khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Bộ TT&TT đối với việc triển khai xây dựng Đề án này. Việc Bộ TT&TT mời các doanh nghiệp, tập đoàn trong Ngành tham dự buổi làm việc thực sự mang ý nghĩa quan trọng vì có thêm những ý kiến đóng góp, góc nhìn nhiều chiều đối với nội dung Đề án.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Chuyển đổi số là phương thức mới để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng đưa ra lấy ý kiến của Bộ TT&TT về một số vấn đề mới và lớn mà theo Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập là những yếu tố rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của Đề án và thể hiện dưới dạng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ trình Trung ương 6 sắp tới. Cụ thể, đó là cách tiếp cận, tư duy mới về mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển hạ tầng số có quan hệ và vị trí thế nào trong mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong kỷ nguyên số hiện nay; Các ngành công nghiệp nền tảng, ngành/sản phẩm công nghiệp ưu tiên trong thời gian tới…
Chuyển đổi số là phương thức mới để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Từ góc nhìn của Bộ TT&TT, bộ quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, cách tiếp cận, tư duy mới về mô hình chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa là: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra cả trong môi trường thực và môi trường số. Nội hàm hiện đại hóa rộng hơn công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa là sản xuất, hiện đại hóa là toàn xã hội. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu là chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một phương thức mới để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp hóa chủ yếu là chuyển đổi số sản xuất, chuyển đổi số các nhà máy, thông minh hoá sản xuất, sản xuất thông minh. Hiện đại hóa chủ yếu là chuyển đổi số toàn xã hội, bao gồm cả chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bộ TT&TT đề xuất 3 phương án về mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong thời gian tới. Cụ thể:
Phương án 1: Mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số có vai trò kiến tạo, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển xã hội số bền vững và bao trùm.
Phương án 2: Chuyển dịch sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển xã hội số bền vững và bao trùm.
Phương án 3: Chuyển dịch sang mô hình hiện đại hóa dựa trên đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển xã hội số bền vững và bao trùm.
Bộ TT&TT cũng đề xuất bổ sung công nghiệp công nghệ số là một trong những công nghiệp nền tảng mà Việt Nam ưu tiên trong thời gian tới, xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số để tạo hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp ngành TT&TT đã đóng góp ý kiến, nêu ra những trăn trở liên quan đến nguồn vốn, nguồn nhân lực, hỗ trợ tiếp cận thị trường nước ngoài, hợp tác, hợp lực giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, cơ chế giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp lớn, có tiềm lực…
Tầm nhìn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030: Xanh - Số - An toàn
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đều gắn liền với các cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp mới bắt nguồn từ công nghệ mới, nhưng là công nghệ có tính đột phá và có khả năng phổ cập, vì có khả năng phổ cập nên dẫn tới toàn cầu hóa. Tri thức mới tạo ra công nghệ mới, công nghệ mới tạo ra công nghiệp mới, công nghiệp mới tạo ra kinh tế mới, kinh tế mới tạo ra xã hội mới, kinh tế mới, xã hội mới thì tạo ra hiện đại hóa. Nhìn công nghiệp hóa và hiện đại hóa dưới góc nhìn này thì sẽ dễ tiếp cận hơn và dễ làm hơn.
Về công nghiệp hóa, mục tiêu của công nghiệp hóa là làm cho toàn bộ nền kinh tế phát triển với nhịp độ cao. Nội hàm của công nghiệp hóa là phát triển công nghiệp chế biến, cả về tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng. Công nghiệp hóa là sự thay đổi liên tục về công nghệ và kĩ thuật, thường là chọn cái hiện đại nhất để áp dụng.
Do đó, nguyên tắc về xây dựng chính sách công nghiệp hóa cần tập trung vào tương lai, tức là tập trung vào những ngành mới, công nghệ mới, mô hình mới. Chính sách phải toàn diện, phải được giám sát liên tục để điều chỉnh kịp thời. Chính sách có thể chỉ ra một số lĩnh vực ưu tiên, thường không quá 10 lĩnh vực. Chính sách công nghiệp hóa thường là khoảng 10 năm vì công nghệ và kỹ thuật liên tục đổi mới.
Công nghiệp hóa thời cách mạng công nghiệp 4.0 rất khác so với thời trước. Thời cách mạng công nghiệp 4.0 là thông minh hóa thì có thể định nghĩa: công nghiệp hóa Việt Nam tức là chuyển đổi số lĩnh vực sản xuất. Sự tích hợp các công nghệ số như cloud computing, big data, IoT vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ tạo ra một sự thay đổi mang tính nền tảng cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Đó là biến sản xuất thành dịch vụ. Tích hợp internet công nghệ số vào toàn bộ quá trình sản xuất, toàn bộ chuỗi giá trị, bao gồm cả nhà máy với các nhà cung ứng, nhà phân phối, vào toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm, kết nối nhà máy với khách hàng, thu thập thông tin của sản phẩm trong suốt quá trình sử dụng, tạo ra một mô hình nghiên cứu phát triển mở và sáng tạo. Đây là một cơ hội hiếm có cho Việt Nam chuyển từ gia công sang làm sản phẩm, chuyển từ cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ sang cạnh tranh bằng tạo ra giá trị mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Về hiện đại hóa, hiện đại hóa là sự tiến bộ, văn minh do vậy hiện đại hóa là mục tiêu phát triển của hầu hết các quốc gia, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường… Hiện đại hóa gồm hai quá trình: một là chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, hai là chuyển từ công nghiệp sang tri thức. Hiện đại hóa phải dựa trên đổi mới công nghệ và đổi mới thể chế, bởi vậy chuyển đổi số là từ khóa quan trọng.
Về tầm nhìn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gói gọn trong cụm từ “Xanh - Số - An toàn”. Xanh là môi trường. Số là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, chuyển đổi số. An toàn là an sinh xã hội, việc làm, trật tự...
"Xanh - Số - An toàn" thì ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, ai cũng có thể làm, thì dễ biến thành toàn dân, toàn diện. Việt Nam chỉ khi nào thực hiện toàn dân thì mới thành công, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá rất cao những ý kiến đóng góp của Bộ TT&TT đối với Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là những ý kiến đóng góp rất tâm huyết, trách nhiệm cả về phạm vi, quy mô, sự sâu sắc cũng như tính khoa học. Các câu trả lời đối với câu hỏi của Tổ Biên tập Đề án đều hết sức xác đáng, trực diện, không chỉ dừng lại ở câu trả lời mà còn mang tính gợi mở sâu rộng đến những vấn đề có liên quan.
Đồng chí Trần Tuấn Anh chỉ đạo Tổ Biên tập Đề án tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp của Bộ TT&TT và các doanh nghiệp ngành TT&TT, đồng thời, Tổ Biên tập tiếp tục làm việc thêm với Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhằm làm rõ nội hàm, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn liên quan đến mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và những vấn đề liên quan để xây dựng, hoàn thiện Đề án trình Trung ương trong thời gian tới.