Thương mại điện tử sẽ giúp mang sản phẩm của Hà Tĩnh đến nhanh và gần hơn với người tiêu dùng trên cả nước

Thứ năm, 14/09/2023 12:46

Vào đầu tháng 9/2023, Phóng viên Cổng TTĐT, Bộ TT&TT đã có chuyến đi thực tế, viết bài tại một số địa phương tại Hà Tĩnh. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã chú trọng, đẩy mạnh việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

ht1_1.jpg

Theo Kế hoạch số 2783/QĐ-UBND về việc phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp được thực hiện ở mức độ 3 trở lên; 70% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. Với tổng kinh phí để phát triển đề án TMĐT giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là  hơn 15 tỷ đồng (gồm: ngân sách Trung ương hơn 7 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hơn 6,2 tỷ đồng; vốn của doanh nghiệp, HTX gần 1,8 tỷ đồng).

Ngoài ra, 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên ứng dụng di động; hàng ngàn lượt doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn… tham gia các khóa đào tạo kinh doanh, bán hàng trực tuyến.

Để đạt được mục tiêu trên UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh ứng dụng TMĐT trong việc bán hàng, quảng bá, phát triển thương hiệu; triển khai hiệu quả các đề án thuộc Chương trình phát triển TMĐT quốc gia trên địa bàn; có chính sách khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó UBND tỉnh còn đề ra những giải pháp chiến lược như: phát triển hạ tầng ứng dụng TMĐT, hoàn thiện hệ thống dịch vụ hỗ trợ TMĐT, kinh tế số; nâng cao lòng tin của người tiêu dùng trong TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp…

Với sự phát triển của công nghệ 4.0 hiện nay, nền tảng là việc ứng dụng công nghệ số để giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản nói riêng, các sản phẩm hàng hóa khác nói chung đang là sự lựa chọn hiệu quả nhất. Không những mở rộng được thị trường tiêu thụ mà còn giúp người nông dân tiêu thụ nhanh sản phẩm, nhất là những sản phẩm nông sản có tính chất mùa vụ.

Nông sản Hà Tĩnh xuất ngoại và lên kệ siêu thị

 

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm nông sản chủ lực của địa phương.

Sản xuất bánh đa vừng vốn là nghề truyền thống của gia đình anh Lê Văn Duẩn, giám đốc Hợp tác xã sản xuất và thương mại Nguyên Lâm (xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhưng việc tiêu thụ vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Năm 2020, tham gia chương trình OCOP với hai sản phẩm chủ lực là bánh đa vừng, miến vừng đen và đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Anh Lê Văn Duẩn cho biết: “Tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng để mua máy móc công nghệ mới, dựa trên nguồn nguyên liệu sạch, sẵn có của địa phương, sản phẩm chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp hơn. Từ sản lượng mỗi năm 900.000 bánh/ năm 2019, sau khi tham gia chương trình OCOP, năm 2021 sản phẩm được quảng bá trên các kênh sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, hợp tác xã đã bán ra gần 2.000.000 bánh, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng”.

Không chỉ thị trường trong nước, cuối năm 2021 vừa qua, bánh đa vừng Nguyên Lâm còn được xuất khẩu sang Nhật Bản vào cuối năm 2021 với số lượng 64.000 tệp, trị giá lô hàng là 326 triệu đồng. Anh Duẩn chia sẻ: “Đây mới chỉ là lô hàng đầu tiên trong tổng số 3 lô hàng mà cơ sở chúng tôi ký kết với đối tác Nhật Bản trong đợt này. Dự kiến trong năm 2022, sẽ xuất khẩu thêm 2 lô hàng nữa. Sau khi chinh phục được thị trường yêu cầu cao như Nhật Bản, thời gian tới chúng tôi sẽ nhắm đến những thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và một số nước châu Âu”.

Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, thời gian qua, thông qua việc kết nối, phối hợp với Bộ Công Thương, các sàn thương mại điện tổ chức các chương trình livestream quảng bá sản phẩm chủ lực và triển khai hiệu quả mô hình “Gian hàng Việt trực tuyến” đối với sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Tĩnh. Nhiều sản phẩm trước đây chỉ được tiêu thụ trong làng, xã, nay đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua hệ thống siêu thị Big C, Vinmart, sàn thương mại điện tử lớn voso, postmart, sendo, shopee, một số sản phẩm như: bánh đa, sứa, gạo, chè… đã có đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

Năm 2021, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tiếp tục được các cấp, ngành tại Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, được người dân đồng tình hưởng ứng tích cực tham gia thực hiện.

Sản phẩm OCOP được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn; các chủ cơ sở đã từng bước nâng cao nhận thức, nhiều cơ sở đã được chỉnh trang nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phát triển sản xuất đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Công tác vệ sinh môi trường; bao bì nhãn mác, quy cách đóng gói ngày càng hoàn thiện, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; công tác xúc tiến thương mại được chú trọng. Từ đó doanh số bán hàng của các sản phẩm OCOP đều tăng cao, bình quân tăng gần 40% so với trước khi tham gia Chương trình.

Là một trong 6 sản phẩm đầu tiên được tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn tham gia Chương trình OCOP từ năm 2018, đến nay Hợp tác xã thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và sản phẩm nước mắm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Chị Lê Thị Khương, Giám đốc Hợp tác xã Thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương cho biết: “Cơ sở chúng tôi hiện có Thông qua các kênh bán hàng tại các cửa hàng sản phẩm sạch trên toàn quốc và các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là qua kênh bán hàng của Bưu điện tỉnh, sản lượng bán ra của các sản phẩm OCOP rất cao vì đã có thương hiệu và được người tiêu dùng tin tưởng. Mỗi năm cơ sở tiêu thụ 400 tấn cá cho ngư dân, sản xuất 300.000 lít nước mắm, doanh thu đạt 20 tỷ đồng”.

Trưởng phòng OCOP, Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Sau khi tham gia Chương trình OCOP, nhiều cơ sở kinh doanh đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Tổng số lao động sử dụng tại các cơ sở tham gia OCOP hiện nay là 1.757 người (tăng 392 người) và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp. Thu nhập bình quân của người lao động được tăng lên đáng kể từ 3,87 triệu đồng/tháng sau khi tham gia Chương trình tăng lên 5,2 triệu đồng/tháng.

Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các cơ sở OCOP có khả năng phát triển để mở rộng quy mô sản xuất, đạt tiêu chuẩn đủ điều kiện để xuất khẩu. Khơi dậy sự sáng tạo trong nhân dân để tiếp tục phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chế biến, chế biến sâu. Rà soát, lựa chọn một số sản phẩm tiêu biểu, lợi thế của tỉnh để củng cố, nâng cấp các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, như: Nhung Hươu Hương Sơn, Trầm hương Phúc Trạch... Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại trên các nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ người sản xuất mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới có tiềm năng để giới thiệu, bán sản phẩm OCOP Hà Tĩnh. Kết nối, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vào hệ thống siêu thị hoặc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng OCOP./. 

Doãn Mạnh
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top