Chỉ tính riêng trong 5 ngày từ 27 đến 31/7/2020, Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan Đồng Tháp đã phối hợp với lực lượng Công an huyện Hồng Ngự và Công an thị xã Hồng Ngự tổ chức bắt giữ 6 vụ, với số lượng 7.720 bao thuốc lá điếu ngoại các loại, tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.
Trong đó, đáng lưu ý có vụ thuốc lá thả trôi sông được phát hiện vào sáng sớm ngày 31/7/2020, tại khu vực chùa Hòa Lợi thuộc tổ 7 ấp 1, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Đội Kiểm soát hải quan và Công an xã Thường Lạc phát hiện 5 bao PP để dưới mé sông, không có người trông giữ. Kiểm tra phát hiện có 1.320 bao thuốc lá điếu ngoại.
Ảnh minh họa.
Theo Đội Kiểm soát Hải quan, cả 6 vụ thuốc lá lậu bị bắt giữ nêu trên đều được các đối tượng buôn lậu ngụy trang bằng các thùng giấy, bao PP tập kết tại các địa điểm ven đường, hay thả trôi sông để chuẩn bị vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ. Các vụ việc nêu trên đều không tìm được chủ sở hữu, do tại thời điểm kiểm tra, phát hiện lực lượng phối hợp, các đối tượng đã tìm cách bỏ trốn, không ai nhận hàng.
Còn theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, trong 7 tháng năm 2020, các lực lượng chức năng của tỉnh này đã bắt giữ gần 1,4 triệu gói thuốc lá nhập lậu các loại. Chỉ riêng trong ngày 2/8, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ 2 vụ vận chuyển thuốc lá lậu, thu giữ 20.100 gói thuốc lá.
Khu vực biên giới An Giang, Kiên Giang với địa bàn kênh rạch chằng chịt, ruộng đồng nhiều lối mở, đường mòn nên các đối tượng buôn lậu thuốc lá cũng đã hoạt động không ngừng nghỉ. Các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, lợi dụng lúc trời tối, đêm khuya đã ngụy trang xuồng bắt cá hoặc đai vác nhằm qua mặt lực lượng chức năng để thẩm lậu thuốc lá từ Campuchia đưa vào nội địa tiêu thụ.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 An Giang, thời gian qua các lực lượng chức năng An Giang đã triển khai rất quyết liệt song song nhiều giải pháp phòng chống dịch, phòng chống buôn lậu trên tuyến biên giới đã làm cho hoạt động buôn lậu trên địa bàn giảm đi về quy mô, số lượng, tổ chức và tính chất phức tạp. Cá biệt, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng thuê đất ruộng của người dân để mở đường vận chuyển hàng lậu qua biên giới.
Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, trong thời gian qua, do nhu cầu tiêu thụ cao, chênh lệch giá lớn, đặc biệt do ảnh hưởng từ công tác phòng, chống dịch làm cho nguồn cung trên thị trường nội địa bị hạn chế, từ đó các đối tượng buôn lậu tìm mọi phương cách để vận chuyển qua biên giới và đi sâu vào nội địa tiêu thụ, với các phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, có tổ chức và manh động. Trong đó, phương thức hoạt động chủ yếu vẫn là sử dụng xe gắn máy 2 bánh chạy tốc độ cao để vận chuyển hàng hóa từ biên giới vào sâu nội địa.