ảnh minh họa
Theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế, thực hiện gần đây, tỷ lệ trẻ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35%, nhóm lớp 10-12 lên tới 12,6%.
Trước đó, kết quả điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019 cũng chỉ ra tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%. Ở học sinh thành thị, con số này là 3,4%
Dù chưa được quản lý, lưu hành, sản phẩm này đã được bán tràn lan, công khai trên thị trường và mạng xã hội. Tất cả đều được nhập vào nước thông qua đường “xách tay”, buôn lậu và không được kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc.
Chậm trễ trong việc quản lý
Chia sẻ tại Hội thảo Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới mới đây, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Vụ phó Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội, cho biết trong hơn 4 năm qua, thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (ENDs) và thuốc lá làm nóng/nung nóng (HTPs).
Cả hai loại sản phẩm thuốc lá này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá để dùng cho việc hút.
Đến nay, theo quy định Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá làm nóng/nung nóng được hiểu là thuốc lá và nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật.
"Tuy nhiên, thuốc lá điện tử lại chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Pháp luật hiện nay cũng chưa có quy định về sản phẩm này", vị lãnh đạo nói.
Trong quá trình góp ý thay đổi, Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào danh mục Hàng hóa cấm kinh doanh trong phụ lục của Luật Đầu tư. Dẫu vậy, đến nay thuốc lá thế hệ mới vẫn chưa có biện pháp quản lý phù hợp.
Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cho hay Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu và tiếp thu ý kiến từ các đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định kinh doanh thuốc lá (trong đó bao gồm định nghĩa thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) trong năm 2021.
“Như vậy, tiến độ xây dựng, thống nhất ý kiến giữa các bộ để trình Chính phủ xem xét, thông qua đến nay đã là muộn”, vị lãnh đạo nói.
Tháng 10/2022 vừa qua, lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã làm việc với các đơn vị liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định để báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tích cực hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho nhóm thuốc lá thế hệ mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Cụ thể, vừa qua, cơ quan này đã ban hành quyết định về việc công bố 3 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm thuốc lá làm nóng, bao gồm 2 tiêu chuẩn về phương pháp thử nghiệm và một tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật, trong đó phải xác định hàm lượng oxit nitơ, cacbon monoxit…
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá. Do đó, sản phẩm này chịu sự điều chỉnh của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) và tương ứng với Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá của từng quốc gia.
Theo báo cáo của WHO, 79/111 quốc gia (trên 70%) đã ban hành các quy định về thuốc lá điện tử về việc hợp pháp hóa các sản phẩm thuốc lá điện tử, đồng thời ban hành quy định để kiểm soát.
65 quốc gia thừa nhận và cho phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá làm nóng; trong đó có nhiều quốc gia có trình độ phát triển về khoa học và công nghệ ở mức cao như Mỹ, các nước thuộc châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga hay một số nước trong khu vực ASEAN như Malaysia và Indonesia.
Thời gian qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá thế hệ mới liên quan đến kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận.
Trong thời gian từ năm 2015 đến nay, tổng đài tư vấn hỗ trợ cai thuốc miễn phí của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hơn 51.000 lượt gọi hỗ trợ tư vấn người bệnh cai nghiện thuốc lá.
Với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, bệnh liên quan hành vi có hại cho sức khỏe, trong đó điển hình là việc sử dụng thuốc lá gây ra, các chuyên gia y tế cho rằng việc phòng ngừa sử dụng thuốc lá thế hệ mới ở những người chưa hút, nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên bằng nhiều biện pháp cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và đồng bộ.
Nicotine trong các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là chất gây nghiện mạnh, làm cho người sử dụng phụ thuộc vào chúng, đồng thời có thể dẫn tăng nguy cơ sử dụng rượu, ma túy và các chất gây nghiện khác. Khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày…
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.