Thuốc lá điện tử trong trường học - làm sao để bảo vệ con trẻ?

Thứ bảy, 13/05/2023 07:40

Một hiện tượng báo động đang xảy ra gần đây đó là trào lưu thuốc lá điện tử trong trường học. Báo động hơn nữa, nó dính vào lứa tuổi các cháu chỉ mới chưa lên 10. Vậy làm sao để bảo vệ con trẻ trước nỗi kinh hoàng này?

20230615-A-67.jpg
ảnh minh họa
 
Mặc dù đã từ lâu, việc hút thuốc lá truyền thống đã không còn là điều phổ biến và được cổ xúy ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Các tác hại của thuốc lá đã được truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, song cuộc chiến đấu chống lại sự độc hại này vẫn là cuộc đấu tranh dai dẳng, trường kỳ vì thực tế, thuốc lá cũng giống như một loại thuốc phiện. Người đã hút sẽ khó mà cai được. 
 
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở người lớn, liên tục trong thời gian gần đây nhiều trẻ em đã bi ngộ độc thuốc lá điện tử đến mức co giật, ảo giác phải nhập viện. Các chuyên gia cảnh báo các loại thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử đang tấn công giới trẻ gây nên nhiều hệ lụy cho sức khỏe không khác gì thuốc lá thông thường.
 
Nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã tiếp nhận các ca cấp cứu học sinh nhập viện ở trạng thái lên cơn co giật, mất ý thức, hôn mê sau khi hút thuốc lá điện tử cùng nhóm bạn. Các chẩn đoán đều cho thấy các con đã bị ngộ độc và phơi nhiễm hóa chất có hại, theo dõi ngộ độc nicotine.
 
Chị T.T. đầu năm học 2022, vừa cho con vào lớp 6, một trường THCS trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội đã rất bất ngờ và hoảng hốt khi nghe con kể chuyện: "Mẹ ơi, con nói cho mẹ một bí mật, lớp con có 9 bạn trong "đường dây" hút thuốc lá điện trong WC trường, hiện các bạn đang phải viết bản tường trình và kiểm điểm". Nghe chuyện đang xảy ra với con mình ở một lớp học ngay đầu cấp II, chị T. không khỏi bàng hoàng. 
 
Sau khi theo dõi và tìm hiểu, chị T được biết, đây không phải là 1 vụ hút thuốc lá điện tử trong trường, mà còn rất nhiều các vụ việc khác, nhiều nhóm học sinh truyền tay nhau những "lô" thuốc lá điện tử chỉ như một thỏi son, một cây kẹo... có hình dáng bắt mắt để "thử cảm giác làm người lớn". 
Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa nicotine), biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm để người hút có thể hít vào phổi.
 
Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, vape, bút vape, ENDS (hệ thống điện tử cung cấp nicotin), ENNDS (hệ thống phân phối không chứa nicotin)… được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt: có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, usb, bật lửa, hình thỏi son...
Trường hợp các bạn học sinh ở trường học trên đây chắc chắn không phải hiếm gặp, với tính tò mò, nghịch ngợm, thích khám phá, các bạn học sinh tuổi vị thành niên đã sẵn sàng nghe theo sự rủ rê của bạn bè, ban đầu chỉ là thử, nhưng sau đó, sẽ có nhiều hệ lụy khó lường gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của chính các bạn.
Vậy làm sao để bảo vệ con trẻ? 
 
Thường xuyên quan sát, quan tâm tới con mình
 
Điều này không phải là một biện pháp mới, nhưng luôn được các chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ. Khi quan sát hàng ngày, chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết được những biểu hiện lạ như: các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi; Trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.
Thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB,… Nếu cha mẹ tìm thấy những vật thể có hình dáng bất thường trong nhà, thì có thể đưa đến bệnh viện để kiểm tra.
Thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ. Những mùi phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh… Nếu cha mẹ ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử.
Trẻ có xu hướng lén lút sử dụng cùng với bạn bè, do vậy, cha mẹ nên để ý khi trẻ có buổi đi chơi đáng ngờ, tham gia chơi cùng nhóm bạn mới, nhắn tin hay trò chuyện bí mật.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, theo điều tra năm 2015, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới chỉ là 1,1%; ở nam giới là 45,3%. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2020 tại Hà Nội cho thấy ở nhóm học sinh lớp 8-12, tỷ lệ hút thuốc lá mới ở nữ lên đến 4,8% và ở nam là 12,4%.
 
Nếu có điều kiện, bố mẹ hãy dành thời gian lắng nghe, trò chuyện cùng con
 
Để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình trong đó bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng.
Bố mẹ cần chú ý dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt.
Phối hợp nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
Vai trò của nhà trường
Nhà trường, thầy cô giáo luôn là những điều rất quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn tới con trẻ. Nghiêm khắc, đồng hành, chia sẻ, cảm thông là những yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội.
Do đó, nhà trường cần giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học.
Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất gây nghiện ở học sinh: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa bố mẹ và nhà trường cùng với sự chung tay của xã hội, tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử sẽ sớm được loại bỏ khỏi môi trường học đường. Qua đó, xây dựng một thế hệ trẻ vị thành niên khỏe mạnh và trở thành nhân tố tương lai góp phần cho sự phát triển của xã hội, đất nước.
 
(nguồn: congdankhuyenhoc.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top