ảnh minh họa
Hôn mê, suy đa tạng sau khi hút thuốc lá điện tử
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận 1 cô gái 20 tuổi (quê ở Hà Nội) bị hôn mê sâu, phù não, suy đa tạng sau khi hút thuốc lá điện tử. Đáng nói, mẫu tinh dầu dùng trong thuốc lá điện tử mà cô gái đó hút đã tìm thấy chất ma túy tổng hợp thế hệ mới.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị phù não, suy đa tạng như suy tim, suy thận, suy thận… phổi bị tổn thương.
Bệnh nhân 20 tuổi hôn mê sâu sau khi hút thuốc lá điện tử vẫn đang được hồi sức tích cực tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh D.L
Người nhà cho biết, tối 25/7, bệnh nhân đi chơi với sau khi hút thuốc lá điện tử thì nằm vật ra. Lúc đầu bạn bè tưởng cô gái ngủ nhưng sau lay gọi mãi không dậy mới vội vã đưa đi cấp cứu.
Bạn bè đã mang mẫu tinh dầu của loại thuốc lá điện tử mà cô gái hút đến. "Chúng tôi đã gửi mẫu tinh dầu đi đến Viện Pháp y Quốc gia xét nghiệm và tìm thấy một chất cần sa tổng hợp ADB- BUTINACA. Đây là chất cần sa tổng hợp rất mới, xuất hiện ở thuốc lá điện tử và gây ngộ độc nguy hiểm cho người hút", TS Nguyên cho biết.
Theo TS Nguyên, bệnh nhân P.M là 1 trong 3 bệnh nhân ngộ độc sau khi hút thuốc lá đang điều trị tại Trung tâm. 3 bệnh nhân này sau khi đi chơi về đều hôn mê từ 6-10 tiếng thì bố mẹ mới phát hiện và đưa đến bệnh viện. Các bệnh nhân đều bị tổn thương não, suy đa tạng, trong đó cô gái 20 tuổi là nặng nhất.
"Sau hơn 1 ngày điều trị tích cực, hiện các cơ quan như tim, phổi, thận… đều đã ổn định, tuy nhiên não vẫn còn bị tổn thương, bệnh nhân vẫn còn hôn mê. Hiện vẫn khó tiên lượng về bệnh nhân. Chúng tôi đang tiếp tục điều trị, hy vọng não sẽ phục hồi", TS Nguyên chia sẻ.
TS Nguyên cho biết, vài năm trở lại đây, hầu như tuần nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận một vài ca ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử.
Các ca ngộ độc này đều khiến bệnh nhân bị rối loạn tâm tâm thần, ảo giác, suy đa tạng… Đối tượng sử dụng hầu hết là người trẻ, độ tuổi 20 và thi thoảng có những trường hợp là học sinh trung học phổ thông.
Trước đó, tại Bệnh viện Xanh pôn (Hà Nội) cũng tiếp nhận 1 bệnh nhân sinh năm 2006 (trú tại Thạch Thất, Hà Nội) ngất xỉu sau khi hút ngộ độc thuốc lá điện tử. Bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện huyện đến Bệnh viện Xanh pôn trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn tối đa, được đặt ống nội khí quản, chẩn đoán hôn mê chưa rõ nguyên nhân.
Theo lời kể từ gia đình người bệnh, người nhà phát hiện bệnh nhân ngã từ trên ghế đập đầu xuống nền cứng kèm theo co giật 3 – 4 lần, mỗi cơn kéo 3 – 5 phút. Khi tỉnh lại, bệnh nhân khai đã hút thuốc lá điện tử có bơm tinh dầu tự mua, đang hút thì xây xẩm mặt mày và ngã trên ghế xuống.
Các bác sĩ Bệnh viện Xanh pôn cũng cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử.
Trước đó, tại Bệnh viện 199 (Bộ Công An) đóng tại Đà Nẵng cũng đã tiếp nhận bệnh nhân nam L.H.T.A (16 tuổi, ở Sơn Trà, Đà Nẵng) bị ngộ độc thuốc lá điện tử. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nói nhảm, tê toàn thân, tay chân có dấu hiệu co rút.
Bác sĩ Đỗ Văn Tá – Khoa khám bệnh - Cấp cứu (Bệnh viện 199) cho biết, khai thác tiền sử bệnh cho thấy, bệnh nhân đã nuốt phải tinh dầu của thuốc lá điện tử nên dẫn đến các biểu hiện trên.
TS Nguyên nhận định, điều đáng báo động hiện nay là các ca ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử đều có các biểu hiện của ngộ độc ma túy như rối loạn tâm tâm thần, ảo giác, suy đa tạng, hôn mê… Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tìm được các chất ma túy tổng hợp thế hệ mới trong thuốc lá điện tử mà các bệnh nhân hút. "Một số trường hợp chúng tôi đã tìm thấy ma túy tổng hợp từ thuốc lá tổng hợp do các bệnh nhân hút. Có lúc các phòng xét nghiệm tiên tiến nhất cũng bất lực không tìm được chất lạ gây ngộ độc trong mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân dùng.
"Để tăng "độ phê" cho thuốc, nhằm tấn công vào các sở thích của giới trẻ, ngoài các hương liệu "trẻ trung, mới mẻ", thuốc lá điện tử đã được tẩm ướp cả 1 số loại ma túy.
Điều này gây hiểm họa khôn lường cho giới trẻ vì lúc "sực tỉnh" ra thì có thể bạn trẻ tưởng nghiện thuốc lá điện tử nhưng thực chất đang nghiện ma túy".
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam
Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng các ca "ngất xỉu, vật vã, kích thích" sau khi hút thuốc lá điện tử mà tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và nhiều cơ sở y tế trên cả nước đang gặp phải trong thời gian qua phần lớn là do ngộ độc ma túy.
Tuy nhiên, do các chất ma túy tổng hợp hiện nay được pha trộn, làm mới liên tục, thậm chí thay đổi theo sở thích của người dùng nên việc xét nghiệm để tìm ra chất ma túy mới là vô cùng khó khăn", TS Nguyên chia sẻ.
Cụ thể như chất ma túy tổng hợp ADB - BUTINACA vừa được tìm thấy trong thuốc lá điện tử nói trên là chất có tác dụng gây ảo giác tương tự như các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẫu thảo mộc. Tuy nhiên chất này không có trong Danh mục các chất ma túy theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và Nghị định 60/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020.
Đó là vì đây chất ma túy tổng hợp thế hệ mới xuất hiện, cơ quan chức năng còn chưa kịp đưa vào danh mục chất cấm.
Theo TS Nguyên, cần sa tổng hợp là nhóm lớn gồm hàng trăm hóa chất cụ thể, đều là các ma túy cực mạnh thế hệ mới, các đối tượng hàng ngày liên tục biến đổi, tổng hợp ra các chất ma túy mới, nhanh chóng vượt xa khỏi danh mục các ma túy mà các cơ quan quản lý quy định.
Đồng thời việc xét nghiệm phát hiện các chất này vô cùng khó khăn, do là các chất mới, triển khai xây dựng quy trình xét nghiệm thành công với 1 chất nào đó bằng máy móc và nhân lực trình độ kỹ thuật cao, mất thời gian, nhưng khi xét nghiệm được thì đã xuất hiện các hợp chất mới.
Độc tính của mỗi hóa chất cần sa tổng hợp này lại rất khác nhau và ngộ độc mỗi chất lại là một loại bệnh hoàn toàn mới. Các phòng xét nghiệm độc chất chuyên sâu hàng đầu của Việt Nam mới chỉ có thể xét nghiệm được một số lượng nhất định, nhiều hóa chất cần sa tổng hợp còn lại chưa thể xét nghiệm phát hiện.
Các loại cần sa tổng hợp thâm nhập vào thuốc lá điện tử và các sản phẩm lạm dụng, gây nghiện khác, có thể ngang nhiên, công khai qua mặt các cơ quan chức năng mà không bị phát hiện.