ảnh minh họa
Các bằng chứng khoa học và các ca bệnh thực tế đang chứng minh thuốc lá điện tử có nhiều độc hại không kém gì thuốc lá truyền thống, thậm chí có nhiều khía cạnh còn độc hại hơn khi có quá nhiều hương liệu, chất hóa học được cho vào, có nguy cơ bị cho thêm ma túy tổng hợp…
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm kinh doanh thuốc lá điện tử (thuốc lá mới) trong 2 năm.
Về kiến nghị này của Bộ Công thương, tại cuộc Hội thảo chuyên đề về Tác hại của thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) - các vấn đề thực tiễn và pháp lý, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định, thí điểm kinh doanh thuốc lá điện tử sẽ có nhiều hậu quả nặng nề.
Bà Trang chia sẻ, ngành y tế đang "còng lưng" phòng chống các bệnh không lây nhiễm, trong đó có nhiều bệnh hiểm nghèo có nguyên nhân do khói thuốc. Các bằng chứng khoa học, kết quả nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy thuốc lá điện tử độc hại không kém gì thuốc lá truyền thống.
Nếu thí điểm kinh doanh thuốc lá điện tử sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề về sức khỏe của người dân cũng như nhiều vướng mắc pháp lý.
"Cụ thể, chưa có đủ dữ liệu đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là tác hại đến sức khỏe, xã hội, gánh nặng bệnh tật, hệ lụy cho giới trẻ và chi phí, tác động xã hội.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang được kinh doanh bất hợp pháp nhưng tỷ lệ sử dụng đã có xu hướng gia tăng. Nếu cho phép kinh doanh thì sẽ có nguy cơ tăng mạnh, thu hút giới trẻ nhiều hơn và tạo ra một thế hệ nghiện nicotin mới", bà Trang khuyến nghị.
Thuốc lá điện tử đang "bủa vây" trường học
Theo điều tra tại Hà Nội và TP HCM của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển, Tổ chức Campain for Tobacco Free Kids, trung bình có 12,7 điểm bán lẻ thuốc lá trong phạm vi bán kính 100m quanh mỗi trường học.
Đại diện Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam nhấn mạnh: "Các trường học đang bị "bao vây" bởi các cửa hàng có bán thuốc lá điện tử".
Theo bà Trang, việc đề xuất thí điểm chỉ tiếp cận từ góc độ kinh doanh, chưa nghiên cứu thấu đáo từ góc độ bảo vệ sức khỏe người dân và xã hội là chưa toàn diện. Thí điểm một sản phẩm gây nghiện nhưng không có giải pháp cho việc giải quyết các hệ lụy sức khỏe, xã hội và những hệ quả sau khi kết thúc thí điểm.
Ngoài ra, việc cho phép thí điểm thuốc lá điện tử dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự, đồng thời phải giải quyết các hậu quả và bệnh tật. Trong khi đó lại không tăng thuế và nguồn thu từ các sản phẩm này.
Đặc biệt Việt Nam chưa có khả năng về khoa học và máy móc để kiểm nghiệm các sản phẩm này. Nếu thí điểm thì hậu quả rất nặng nề về sức khỏe của người dân, đặc biệt là giới trẻ, những đối tượng đang sử dụng nhiều thuốc lá điện tử.
"Bộ Y tế nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên các căn cứ khoa học, điều kiện thực tế của Việt Nam. Vì thế, không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe, các nguy cơ, tác hại lâu dài còn chưa được nhận biết. Bộ Y tế đề nghị cấm hoàn toàn thuốc lá mới", bà Trang chia sẻ. Trước đó, chia sẻ với Dân Việt, bà Trang cũng đã ví dụ về những nước đã từng cấm thuốc lá điện tử sau đó nới lỏng lệnh cấm và để lại hậu quả rất nặng nề.
Bà Trang dẫn chứng, tại Canada, thuốc lá điện tử trước đây bị cấm nhưng luật đã thay đổi cho phép bán vào năm 2018. Hậu quả năm 2018-2019, tỷ lệ thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử tăng gấp đôi.
Mỹ là quốc gia chưa có các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá. Theo CDC Mỹ, việc sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên Mỹ tăng vọt từ 13,2% năm 2017 lên 32,7% năm 2019. Riêng tỷ lệ học sinh trung học đang sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27,5% năm 2019...
Tại Việt Nam dù chưa cho phép kinh doanh, sản xuất thuốc lá điện tử nhưng do xu hướng hút thuốc lá điện tử đang lan rộng, nhiều sản phẩm bán trên mạng xã hội, do đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên đang gia tăng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng thuốc lá điện tử thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã chiếm 2,6%.
"Bài học của các nước cho thấy, khi nới lỏng kiếm soát thuốc lá điện tử đã dẫn đến những hệ lụy lớn cho xã hội, kể các các nước có năng lực kỹ thuật, kinh tế như Nhật Bản, Mỹ, Canada, việc kiểm soát trở lại rất khó khăn. Khi đã cho phép thì việc cấm trở lại càng khó hơn", bà Trang nhận định.
Bà Trang cũng cho biết, từ năm 2020-2021, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Về các giải pháp nhằm hạn chế thuốc lá điện tử hiện nay, bà Trang cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã rà soát, phát hiện các trường hợp quảng cáo, rao bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên mạng xã hội để có biện pháp xử lý triệt để.
Cụ thể, vấn đề quảng cáo các mặt hàng trên hiện nay đang xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hiện, Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông ứng dụng cách thức công nghệ để rà soát các "gian hàng online" trên mạng xã hội, tránh hành vi tiếp tay quảng bá các mặt hàng cấm như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Cơ quan chức năng có thể kiến nghị các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook hay Google, yêu cầu phối hợp cùng Việt Nam ngăn chặn quảng cáo bất hợp pháp.
Bộ Y tế thường xuyên lập các đoàn thanh tra, xây dựng các kế hoạch kiểm tra liên ngành trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Đồng thời, Bộ Y tế đang mở rộng phối hợp với các Bộ khác về các chuyên đề liên quan đến thuốc lá điện tử. Bộ Y tế đang tập hợp lấy ý kiến đề xuất về công tác phòng, chống và quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để trình lên Chính phủ sớm nhất.
Bà Nguyễn Hạnh Nguyên – cán bộ Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm (Tổ chức HealthBrige Canada) khẳng định, các sản phẩm thuốc lá mới đang nhằm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc mới.
Theo bà Nguyên, mục đích của ngành công nghiệp thuốc lá khi mà người dùng đang chết dần là tìm kiếm người hút thuốc (khách hàng thay thế) (mỗi năm có hơn 8,2 triệu người nghiện thuốc lá tử vong); đồng thời duy trì sản lượng thuốc lá và tăng lợi nhuận khi mà nhiều nước thực hiện các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá truyền thống.
"Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang đe dọa sức khỏe, sự phát triển của trẻ em, vị thành niên và thanh niên. Các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa nhiều chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút lẫn người xung quanh...
Với xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ trên thế giới nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng, Việt Nam không nên cho phép thí điểm sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm thuốc lá mới", bà Nguyên khuyến cáo.
"Để đánh vào thị hiếu của giới trẻ, thuốc lá điện tử có đến hơn 15.000 loại hương vị khác nhau. Tuy nhiên, nếu hương liệu được trộn chung cùng các loại nguyên liệu khác nhau sẽ gây độc hơn.
Bên cạnh đó, các chất độc được tìm thấy trong thuốc lá điện tử như: Formaldehyde, Hydrooxycarbonyls, Acetaldehyde, Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, phân tử Ultrafine… gây ra bệnh tật, tử vong và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Thuốc lá điện tử gây bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp, viêm phổi cấp, tiêu hóa, ngộ độc, động kinh, các bệnh về răng miệng và gây ung thư...
Các ca viêm phổi cấp tính, tai nạn thương tích do bộ phận điện tử phát nổ là những tác hại chưa được biết đến ở thuốc lá điếu thông thường nhưng lại xuất hiện ở thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.