ảnh minh họa
Giới trẻ khó lòng "trốn thoát" sự dụ dỗ của thuốc lá điện tử
Cầm trên tay điếu thuốc lá nhả khói mù mịt, Nguyễn Hoàng (21 tuổi, Hà Nội) cho biết, lúc đầu em tụ tập với bạn bè, thấy các bạn hút thuốc lá điện tử nhìn rất dân chơi, sành điệu nên em đã tập hút và giờ thì không lúc nào rời điếu thuốc trên tay.
Bạn gái Trần Hồng Hạnh (19 tuổi, Hà Nội) cũng cho biết : "Em thấy thuốc lá điện tử rất thơm ngon, em thích mấy mùi vani, táo, hút không có mùi hôi nên thích".
"Em nghe người bán nói hút thuốc này không có nicotin, không nghiện. Tuy nhiên, em cũng hút hơn 1 năm rồi, không có điếu thuốc lá điện tử trên tay là thấy buồn bã, kém vui", Hạnh chia sẻ.
Bàn luận về các chiêu thức quảng cáo, tiếp cận giới trẻ nhằm mở rộng thị trường thuốc lá thế hệ mới, ThS Lê Thị Thu - quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm (Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam) cho biết, ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến giới trẻ nhằm tìm kiếm những người hút thuốc thay thế và để duy trì sản lượng thuốc lá và tăng trưởng lợi nhuận - khi chính phủ các nước thực hiện các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá.
Với mục tiêu này, các hãng sản xuất thuốc lá đã có nhiều chiêu trò để thu hút, cổ động giới trẻ dùng thuốc lá. Cụ thể như: Thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đỏng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ…
Các nghiên cứu cho thấy, có đến hơn 15.500 hương liệu khác nhau được cho vào thuốc lá điện tử để tạo mùi, tạo màu sắc, tạo khói, tạo hương vị khác nhau thu hút mọi giới trẻ. Các mùi vị hoa quả như xoài, chuối, dâu, cam… đến mùi vị như bánh, kem, vani, cà phê…
Hình thức cũng rất bắt mắt và đánh vào thị hiếu của từng giới. Nữ sẽ có những điếu thuốc lá điện tử màu hồng, vàng, đỏ, hình dáng như thỏi son, cây bút… vô cùng hợp thời trang và sành điệu.
Nam thanh niên có thuốc như bật lửa, cây súng rất "men", phong cách. Trẻ em có thuốc lá điện tử như cây kẹo…
Cùng với đó, ngành công nghiệp thuốc lá tiến hành giới thiệu sản phẩm và dùng thử ở các cửa hàng bán lẻ; sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng/có ảnh hưởng quảng cáo thuốc lá; tận dụng độ tuổi trẻ của những người nổi tiếng trên mạng xã hội để quảng cáo và bán hàng như Facebook, Instagram, Tiktok... đồng thời, bán thuốc lá qua các trang thương mại điện tử...
"Đánh vào tính cách, sở thích, thị hiếu, nhu cầu của giới trẻ là cách mà các hãng thuốc lá đang sử dụng để cổ động người trẻ hút thuốc, khiến cho giới trẻ khó lòng "trốn thoát", bà Thu cho biết.
Gia tăng thanh thiếu niên dùng thuốc lá điện tử
Theo các nghiên cứu, những người trẻ tuổi (14-30 tuổi) đã sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử; 70% số người thử một điếu thuốc lá điện tử sẽ có nguy cơ dùng thuốc lá thường xuyên.
Và có lẽ, cách thức quảng cáo này đang thành công khi tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, nghiên cứu tại nhiều nước cho thấy, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh ngày càng gia tăng.
Năm 2014 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử năm 2014 ở San Marino là 5,9%, ở Italy là 8,4%, ở Georgia là 5,7% thì năm 2018 đã tăng lên là 8,9%, 17,5%, 13,2%...
Còn tại Việt Nam, bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết: "Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 chung tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%), trong đó nam giới tăng 14 lần (từ 0,4% lên 5,6%), nữ giới tăng 10 lần (từ 0,1% lên 1%)".
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam gia tăng nhanh trong thời gian gần đây. Một nghiên cứu tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.
Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%).
Ông Đào Thế Sơn – giảng viên ĐH Thương Mại, cán bộ Liên minh Quốc tế phòng chống bệnh lao phổi chia sẻ, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chưa có quy định về thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Tuy nhiên, tại Điều 9 Khoản 1 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cấm: "Sản xuất mua bán, nhập khẩu, tàng trữ vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao gói hoặc điếu thuốc lá".
Tuy nhiên, trên thực tế, các điểm bán thuốc lá điện tử được đặt công khai với mật độ khá dày ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
"Khảo sát của tôi cho thấy, các điểm bán thuốc lá điện tử được để dưới các tên như: Vape Music store, The Vape club, The Vapist Vapor Bontinque... trong đó Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là những địa phương có mật độ các điểm bán thuốc lá thế hệ mới nhiều nhất cả nước với khoảng gần 20 điểm lớn.
Nguồn gốc sản phẩm có từ các mặt hàng rất đa dạng đến từ Trung Quốc tới các mặt hàng của các công ty lớn.
Thanh thiếu niên dễ dàng mua được thuốc lá điện tử qua mạng. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng là có thể ra cả triệu địa chỉ hướng dẫn mua bán thuốc lá điện tử. Việc tiếp cận mà mua thuốc lá điện tử rất dễ này càng thúc đẩy thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử", ông Sơn chia sẻ.
"So với năm 2015, đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Nam giới hút thuốc là giảm từ 45,3% xuống 42,3%.
Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm rõ rệt tại nhà, tại nơi làm việc. Tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020.
"Nhận thức về tác hại của thuốc lá ngày càng cao với hơn 96% người được hỏi trong trong khảo sát năm 2020 tin rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi. 87,7% tin rằng hít phải khói thuốc của người khác cũng bị mắc các bệnh lý nghiêm trọng.
65,2% người dân đã từng nghe tới Luật phòng chống tác hại thuốc lá, biết được các địa điểm được quy định cấm hút thuốc theo Luật.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả khả quan về công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, công tác này hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia lợi dụng bối cảnh dịch bệnh Covid-19 thực hiện nhiều hoạt động nhằm làm suy yếu việc xây dựng và thực thi các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá.
Các tập đoàn thuốc lá cũng tăng cường tiếp thị các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ với những hình thức, mùi vị vô cùng hấp dẫn, sành điệu, đánh vào thị hiếu của giới trẻ
Điều này làm tăng nguy cơ giới trẻ tiếp cận và tìm đến thuốc lá điện tử.