Thuốc lá điện tử - hiểm họa cần được loại trừ sớm

Thứ bảy, 12/11/2022 14:23

Nhận diện thuốc lá điện tử từ chuyện của người quen

20221209-A-139.jpg
ảnh minh họa
Cách đây gần chục năm (vào năm 2012), khi ngồi nhâm nhi cốc bia hơi ở Bầu Bạn Quán (nằm trong khuôn viên Nhà thi đầu thể thao quận Cầu Giấy), một người bạn vong niên (là một nhà giáo đáng kính, nay đã về Cõi Vĩnh Hằng) mang ra một dụng cụ là lạ và đưa lên miệng. Tôi hỏi: “Anh làm gì đấy?”, sau khi nhả khói rồi người đó mới nói: “Mình hút thuốc, hay nói chính xác hơn là mình đang cai nghiện thuốc lá. Đây là một loại thiết bị thay thuốc lá, hay có thể gọi là thuốc lá điện tử”.

Ông đưa thiết bị đó cho tôi, nó to hơn điếu thuốc thông thường, trông khá tinh xảo và cứng. Ông nói thêm: “Thời gian gần đây, sức khỏe của mình không tốt, mình muốn bỏ thuốc lá nên có một người thân đi nước ngoài về, biếu mình thiết bị này và nói là nó có thể giúp mình cai nghiện thuốc lá. Mình dùng nó mỗi khi thèm thuốc...”. Tôi hỏi thêm: “Sau khi dùng, anh có cảm thấy đỡ thèm thuốc không?”. Ông trả lời: “Có!”.

Một thời gian sau, tôi không thấy ông dùng thiết bị đó nữa nên hỏi: “Anh cai được thuốc lá rồi à? Không thấy anh dùng thuốc lá điện tử nữa...”. Ông trầm ngâm một lúc rồi nói: “Mình chưa cai được thuốc lá nhưng mình không dùng thuốc lá điện tử nữa vì nó cũng có hại như thuốc lá thông thường, thậm chí là hại hơn vì mình không biết được chất lượng loại dung dịch mà loại thiết bị này dùng...”.

Sau đó, tôi tìm hiểu thuốc lá điện tử và biết được khá nhiều điều. Thuốc lá điện tử ra đời đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2004. Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới (gần 1,4 tỷ người), lại có nhiều người hút thuốc lá nên người ta đầu tư cho lĩnh vực này nhiều thứ, từ tiền bạc đến trí tuệ. Khi việc hút thuốc lá thông thường vừa tốn kém, vừa bị phê phán, khi một công ty nghiên cứu và chế tạo ra loại thiết bị điện tử có thể sử dụng nhiều lần và sạc pin như điện thoại.

Thuốc lá điện tử bao gồm: Ống chứa nằm ở phía cuối, có chứa các chất dùng chung với tinh dầu thuốc lá; Tinh dầu thuốc lá chứa nicotine và các mùi khác; Máy phun làm nóng và bay hơi dung dịch hòa trộn các chất; Pin dạng lithium-ion có thể sạc và sử dụng nhiều lần; Bộ cảm ứng truyền cảm ứng kích hoạt máy phun khi người dùng sử dụng.

Ban đầu, hình dạng sản phẩm thường được làm giống như điếu thuốc thông thường nhưng lớn hơn và có màu sắc khác nhau; Nay thì hình dạng của loại thiết bị này vô cùng phong phú: giống điếu xì gà, giống bật lửa, như chiếc bút, như chiếc USB...

Ngày nay, người Việt Nam chính thức dùng cụm từ “Thuốc lá điện tử” để gọi loại thiết bị dùng để hút. Trong tiếng Anh, thiết bị này có tên là Electronic nicotine delivery systems, được viết tắt là ENDS.

Còn có loại một loại nữa được gọi là “Thuốc lá nung nóng”, tiếng Anh là Heated tobacco products, viết tắt là HTP. HTP hoạt động bằng cách nung sợi thuốc lá tới nhiệt độ nhất định bằng thiết bị sử dụng pin. Nhiệt độ này thấp hơn nhiệt độ cháy ở đầu điếu thuốc lá thông thường (khoảng 600 °C). HTP được các công ty sản xuất thuốc lá đa quốc gia như: British American Tobacco (BAT) – Ifuse, Glo; Philip Morris International (PMI) – IQOS 2.4 plus, IQOS 3...
 Nguyên tắc hoạt động và tính chất của thuốc lá điện tử

Dù có thể khác nhau về hình dạng, về tên gọi nhưng cách hoạt động của thuốc lá điện tử giống nhau. Để sử dụng, người dùng ngậm vào đầu ống chứa của sản phẩm có hình dạng điếu thuốc. Bộ phận cảm ứng hoạt động, làm bay hơi dung dịch bên trong, tỏa khói để người dùng hút. Thành phần dung dịch, hàm lượng tinh dầu được sử dụng trong thuốc lá loại điện tử thể hiện độ mạnh cũng như tác hại của thuốc với người dùng. Cụ thể, độ mạnh của thuốc được xác định trên hàm lượng nicotine (mg hoặc ml hoặc phần trăm) trên lượng tinh dầu. Thành phần của dung dịch bao gồm: Nicotine, Propylene Glycol, Glycerin thực vật, Nước, Chất tạo mùi. Chất gây ô nhiễm trong dung dịch điện tử như Ethylene Glycol, Diethylene Glycol, chất tạo mùi – Diacetyl, Acetyl propionyl và kim loại – chì, bạc, Cadmium, Chromium, thủy ngân, Nickel... Theo tính toán, có đến hơn 15,000 loại hương vị khác nhau.

Loại thuốc lá này có loại dùng 1 lần hoặc nhiều lần, người dùng cần bổ sung thêm dung dịch tinh dầu và các chất khác khi hết. Hầu hết tinh dầu chứa nicotine, propylene glycol, hương liệu, glycerin thực vật... Thành phần dung dịch, hàm lượng tinh dầu cây thuốc lá sử dụng trong thuốc lá loại điện tử thể hiện độ mạnh cũng như tác hại của thuốc với người dùng.

Một số sản phẩm thuốc lá điện tử hoặc dung dịch cấp có ghi chính xác hàm lượng nicotine, một số chỉ ghi chung chung. Thông thường, tinh dầu trong loại thuốc lá này chứa 5% muối nicotine, nghĩa là khoảng 30 - 50mg nicotin trong 1 kém nhỏ bao chứa. Hàm lượng này tương đương với nicotin có trong 1 - 3 bao thuốc lá truyền thống. Có thể thấy, hàm lượng nicotine này không hề nhỏ.

Như vậy, các loại thuốc lá này vẫn chứa chất gây nghiện là nicotine; giúp người hút có cảm nhận như hút thuốc thông thường. Khác với thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử có hộp nạp chứa nicotine, hương liệu cùng một số loại hóa chất khác. Khi đốt, các chất lỏng chuyển sang dạng hơi nước, người hút hít vào và nhả ra như hút thuốc truyền thống. Chỉ khác là do không đốt trực tiếp, không có lượng CO hay nhựa thuốc lá được tạo ra. Giới trẻ yêu thích thuốc lá điện tử và tác hại rất lớn

Đặc tính nổi bật nhất ở giới trẻ là họ thích cái mới, cái lạ để tỏ ra mình sành điệu. Thuốc lá điện tử đáp ứng được nhu cầu này vì chúng tạo ra sự mới mẻ, lạ lẫm, sang trọng, bí ẩn. Vì vậy, giới trẻ yêu thích là điều dễ hiểu. Hơn thế nữa, thuốc lá điện tử được công ty quảng cáo là dụng cụ hút thuốc an toàn, sang trọng, thậm chí có thể dùng để cai thuốc thông thường.

Thực tế không phải như vậy. Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu tác động của thuốc lá điện tử đã đưa ra cảnh báo về những cái hại của loại thuốc lá này tới sức khỏe cộng đồng. ác điều tra, nghiên cứu trong năm 2014 và 2018 ở một số nước Châu Âu cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm 13-15 tuổi đều có xu hướng tăng nhanh, cả ở nam và nữ. Cụ thể: San Marino năm 2018 là 8,9% trong đó nam 9,9% và nữ 7,6%, năm 2014 là 5,9% trong đó nam 7,6% và nữ  4,2%; Italy năm 2018 là 17,5% trong đó nam  21,9% và nữ 12,8%, năm 2014 là 8,4% trong đó nam  11% và nữ  5,9%; Georgia  năm 2018 chiếm 13,2% trong đó  nam 17,3% và nữ 7,7%, năm 2014 là 5,7% trong đó nam 7,4% và nữ 4,0%; Romania năm 2017 là 8,2% trong đó nam 10,1% và nữ 5,9%, năm 2013 là 6,7% trong đó nam 8,8% và nữ 4,5%; Latvia năm 2014 là 10,0% trong đó nam 12,1% và nữ 7,8%; năm 2011 là 9,1% trong đó nam 10,3% và nữ 7,7%. (Nguồn: Western Pacific - RAP Consultation)

Sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi ở khu vực Tây Thái Bình Dương: Campuchia năm 2016 tỷ lệ sử dụng ở nam là 2,1% và nữ là 2,5%, Lào năm 2016 tỷ lệ sử dụng ở nam là 5% và nữ 3,7%; Guam năm 2017 tỷ lệ sử dụng ở nam là 35,9% và nữ là 32,7%; Marshall Island năm 2016 tỷ lệ sử dụng ở nam là 21,8% và nữ là 12,4%; Fiji năm 2016 tỷ lệ sử dụng ở nam là 15,3 và nữ 8,5% (Nguồn: Global Youth Tobacco Survey)

Tỷ lệ trong học sinh trung học Mỹ có sử dụng thuốc lá điện tử là khoảng 30% và học sinh cấp 2 là khoảng 25%. Tính đến ngày 18/2/2020, tại Mỹ có 2.807 trường hợp EVALI nhập viện; 68 ca tử vong đã được xác nhận tại 29 tiểu bang; 15% số ca nhập viện dưới 18 tuổi, 37% từ 18-24 tuổi. (Nguồn: Báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ - CDC từ 50 tiểu bang).

Thuốc lá điện tử là một loại thiết bị điện tử dùng pin, phải sạc nên có thể bị hỏng, xẩy ra lỗi và tạo nguy cơ cháy nổ. Trên thực tế đã có người bị chấn thương nghiêm trọng vì pin của thuốc lá điện tử nổ. Cái hại của thuốc lá điện tử đã rõ, Việt Nam cần hành động khẩn trương!

Dù chúng ta chưa có điều tra, nghiên cứu cụ thể nhưng rõ ràng giới trẻ Việt Nam cũng đã tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử khá phổ biến. Những tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã được chỉ ra rất rõ ràng. Chúng cũng có hại như thuốc lá thông thường vì chúng sử dụng chất gây nghiện là nicotine; ngoài ra còn có nhiều loại hóa chất độc hại khác nữa (đó là chưa kể tới việc cháy nổ). Vì vậy, việc quản lý chặt chẽ, đi tới chỗ cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử ở Việt Nam là điều cần thiết.

Hiện tại chưa có thị trường thuốc lá điện tử tại Việt Nam, mà sản phẩm chủ yếu là hàng xách tay và buôn bán qua mạng Internet. Có thể nói toàn bộ thuốc lá điện tử ở Việt Nam hiện nay là hàng hóa bất hợp pháp. Vì vậy, việc thu giữ thuốc lá điện tử là điều có thể thực hiện được.Tuy nhiên, ai cũng biết là việc sản xuất kinh doanh thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử mang lại lợi nhuận rất lớn. Do vậy, chuyện cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam chưa thể thực hiện “một sớm, một chiều”.

Trong bối cảnh như vậy, các ông bố, bà mẹ phải quan tâm nhiều đến con cái hơn nữa. Cần chỉ rõ tác hại của thuốc lá điện tử để con cái tránh xa. Chúng ta đã có quy định về cấm hút thuốc lá thông thường ở nơi công cộng, nay cần bổ sung thêm là cấm cả thuốc lá điện tử. Các hãng hàng không đã làm được điều này thì các công sở, nơi công cộng, thậm chí là nhà hàng cũng cần thực hiện điều này.

Còn ở quy mô quốc gia, nếu chưa cấm được việc sản xuất - kinh doanh thuốc lá thông thường (vì chúng là nguồn sống của nhiều người, một nguồn đáng kể của ngân sách) thì có thể cấm sản xuất – kinh doanh thuốc lá điện tử (vì hiện nay ngân sách chưa thu được gì từ sản phẩm này). Nếu vì lý do gì đó chưa cấm được thì phải đánh thuế thật cao để hạn chế người sử dụng.

Sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của con em chúng ta là vô cùng quan trọng. Trong cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta có thể hi sinh tăng trưởng kinh tế thì trong việc ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử, chúng ta cũng có thể làm điều tương tự. Đây chính là nguyện vọng của nhân dân.
Lê Đức Hạnh (nguồn: baodansinh.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top