ảnh minh họa
Nơi ẩn náu của ma túy tổng hợp
Thuốc lá điện tử cùng với thuốc lá nung nóng là hai loại hình thuốc lá mới phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. Thuốc lá điện tử đã trải qua nhiều thế hệ cải tiến về hình dạng và kích thước, nhưng chủ yếu là nhỏ gọn, dễ mang theo khi di chuyển. Cấu tạo của thuốc lá điện tử thường gồm bộ phận pin (có thể sạc được), hệ thống cảm biến, đầu đốt điện tử và bình chứa dung dịch. Dung dịch của thuốc lá điện tử được quảng cáo là tinh dầu, nhưng thực tế chỉ là những hóa chất tổng hợp độc hại (hỗn hợp nước, hương liệu thực phẩm, nicotine...). Các hóa chất này sau khi được làm nóng sẽ tạo ra khói với mùi hương khác nhau, tạo sự thích thú cho giới trẻ.
Sử dụng thuốc lá điện tử gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe. Theo TS, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Hút thuốc lá điện tử có thể thay đổi cấu trúc và chức năng tim, gây suy tim, tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim; gây viêm và tắc nghẽn đường thở, giảm khả năng đề kháng của đường hô hấp với vi trùng; tăng nguy cơ ung thư. Hút thuốc lá điện tử còn làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và gây ra nhiều bệnh khác.
Nhìn chung, thuốc lá điện tử có tác hại tương tự như thuốc lá thông thường, thậm chí còn nguy hiểm hơn vì chứa nhiều hỗn hợp hóa chất, các hóa chất này rất khó kiểm soát về thành phần, thậm chí không ít trường hợp trộn lẫn với ma túy tổng hợp để sử dụng. Theo TS Nguyễn Trung Nguyên: Thuốc lá điện tử là môi trường cho các loại ma túy mới tồn tại. Việc sử dụng thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ sử dụng ma túy gấp 3,5 lần so với không sử dụng. Điều này tạo ra mối lo ngại kép về tác hại của thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng và sự xuất hiện, trà trộn của ma túy tổng hợp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế) chia sẻ: "Những năm qua, với sự nỗ lực của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới ở Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được sau khi giảm các bệnh liên quan đến thuốc lá trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/năm".
Tuy nhiên, khi chúng ta từng bước kiểm soát, giảm được các tác hại của thuốc lá thông thường thì thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng lại xuất hiện với cấu trúc tinh vi và thành phần nguyên liệu phức tạp hơn rất nhiều. Điều đáng buồn là loại hình thuốc lá mới này đang tập trung hướng vào giới trẻ, đặc biệt là các em gái. Theo thông tin do Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đưa ra mới đây, tỷ lệ hút thuốc lá của nhóm học sinh nữ từ 13 đến 15 tuổi tăng từ 0,9% (năm 2014) lên 1,6% (năm 2022), nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng thuốc lá điện tử. Thực tế trên đang đặt ra những thách thức, nhiệm vụ mới cho ngành y tế và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tăng cường các biện pháp quản lý
Có nhiều nguyên nhân tạo nên sự ưa thích của giới trẻ đối với thuốc lá điện tử. Đầu tiên là mùi vị. Với các hóa chất được trộn lẫn từ nhiều thành phần phức tạp và có khả năng tạo nhiều hương thơm như: Mùi hoa nhài, mùi hoa hồng, vị dưa... thuốc lá điện tử có thể dễ dàng che giấu sự độc hại của nicotine bằng cách đánh lừa khứu giác người dùng. Thứ hai, các sản phẩm thuốc lá điện tử đang được nhập lậu và buôn bán trái phép một cách công khai trên thị trường với giá thành khá rẻ. Trong các quán bar, pub... thuốc lá điện tử có thể được phục vụ tại bàn. Hình ảnh những thanh niên ăn mặc sành điệu, hút thuốc lá điện tử, nhả khói và lắc lư theo điệu nhạc trở thành "hình mẫu" được nhiều bạn trẻ bắt chước. Điều này góp phần gia tăng số lượng trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử.
Tác hại đã rõ, tuy nhiên, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang được quảng cáo sai lệch rằng sẽ giúp cai thuốc lá truyền thống, hoặc ít nicotine hơn. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tất cả sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe, trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. Vì vậy, những thông tin quảng cáo trên là hoàn toàn vô căn cứ, nếu không có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hương (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế): Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha là các sản phẩm nhập lậu vì chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tài khoản mạng xã hội vẫn ngang nhiên đăng bài quảng cáo, mua, bán thuốc lá điện tử, đây là các hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả.