ảnh minh họa
Khói thuốc lá là sự kết hợp của khói từ đầu điếu thuốc đang cháy và khói thuốc do người hút thuốc lá thở ra. Khói thuốc chứa hơn 50 hóa chất có thể gây ung thư. Việc hít khói thuốc thụ động dù chỉ trong một thời gian ngắn cũng có thể gây hại cho cơ thể của các em bé. Theo thời gian, khói thuốc thụ động có thể gây bệnh và khiến trẻ tử vong.
Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng, khói thuốc lá có thể gây hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Những đứa trẻ sống trong môi trường gần khói thuốc thụ động (có thể từ mẹ, bố hoặc bất kỳ ai khác) sau khi chúng được sinh ra có nhiều khả năng chết vì SIDS hơn những đứa trẻ không ở gần khói thuốc thụ động.
Phụ nữ hút thuốc trong thời kỳ mang thai làm tăng nguy cơ mắc SIDS. Trong khi đó, trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc sau khi sinh cũng có nguy cơ mắc SIDS cao hơn. Các hóa chất trong khói thuốc có thể ảnh hưởng đến não bằng cách cản trở sự điều hòa hô hấp của trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh chết vì SIDS có nồng độ nicotine trong phổi và mức cotine cao hơn so với trẻ tử vong do các nguyên nhân khác.
Khói thuốc lá cũng khiến cân nặng của trẻ khi sinh thấp. Những bà mẹ hít phải khói thuốc thụ động trong khi mang thai có nhiều khả năng sinh con nhẹ cân hơn bình thường. Những em bé được sinh ra trong thời kỳ này yếu hơn và có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cao hơn.
Những em bé hít phải khói thuốc thụ động có thể có phổi yếu hơn những em bé khác. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe của trẻ. Do vậy mà những em bé này thường bị ốm nhiều hơn, đặc biệt là hay mắc các bệnh viêm phế quản và viêm phổi. Hoặc các em gặp phải các vấn đề về phổi, bao gồm ho, quá nhiều đờm, thở khò khè và khó thở ở trẻ em trong độ tuổi đi học.
Khói thuốc cũng có thể gây ra cơn hen suyễn ở trẻ em. Trẻ em bị hen suyễn khi tiếp xúc với khói thuốc sẽ lên cơn hen suyễn nặng hơn và thường xuyên hơn. Một cơn hen suyễn nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Trẻ em có cha mẹ hút thuốc dễ bị nhiễm trùng tai hơn, chảy dịch trong tai thường xuyên hơn và phải thực hiện nhiều thao tác đưa vào ống tai để thoát dịch hơn.
Để bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khỏi khói thuốc thụ động, các bậc phụ huynh cần giữ cho ngôi nhà và xe hơi không có khói thuốc. Bởi trên thực tế, trẻ em hít khói thuốc thụ động ở nhà hoặc trong ô tô nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác. Đồng thời cũng cần đảm bảo rằng, bảo mẫu, người trông trẻ và nhân viên nhà trẻ không hút thuốc. Phụ huynh cũng nên đưa trẻ đi ăn ở những nhà hàng không khói thuốc hoặc cố gắng tránh đến những nơi cho phép hút thuốc; dạy con kĩ năng tránh xa khói thuốc thụ động./.