'Thuê bao di động đã định danh mới được mở tài khoản Mobile Money'

Thứ ba, 09/06/2020 09:02

Ông Phạm Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo cho phép thử nghiệm dịch vụ Mobile Money, quy định chỉ những thuê bao di động định danh mới được mở tài khoản dịch vụ này.

20200609-Nam-1.jpg
Ông Phạm Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định cho phép thử nghiệm dịch vụ Mobile Money, quy định chỉ những thuê bao di động định danh rồi mới được mở tài khoản dịch vụ này.
 
Cụ thể, theo ông Dũng, nếu dự thảo này được thông qua, các doanh nghiệp viễn thông sẽ làm đề án gửi đơn vị đầu mối về cấp phép. Sau khi được cấp phép, các doanh nghiệp này mới được triển khai dịch vụ Mobile Money. "Bản chất đây là sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động. Vì vậy, chúng ta không quá lo lắng về việc SIM rác. Những thuê bao di động định danh rồi mới được mở tài khoản Mobile Money” ông Phạm Quang Dũng nói.
 
Trước đó, ngày 30/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Một trong những giải pháp mà Thủ tướng yêu cầu là cấp phép thí điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money.
 
Ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, Mobile Money sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện đến những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những khu vực mà hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Đồng thời tận dụng hạ tầng viễn thông, giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Qua đó góp phần nâng cao mức sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng được mạng lưới viễn thông, các điểm giao dịch rộng khắp cả nước để phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng, ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống. Do vậy, doanh nghiệp viễn thông có thể mở rộng dư địa để tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh.
 
"Một điểm rất quan trọng trong dự thảo cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money là cho phép các thuê bao không cần có tài khoản ngân hàng mà vẫn sử dụng được dịch vụ này. Các thuê bao có thể nạp tiền vào tài khoản Mobile Money ở các ngân hàng và các điểm đại lý của doanh nghiệp viễn thông để sử dụng dịch vụ cho mình. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ quản lý tài khoản tổng của các doanh nghiệp viễn thông để tránh rủi ro trong thanh toán", ông Hải nói.
 
Vẫn theo ông Trần Duy Hải, những thuê bao muốn được cung cấp dịch vụ này sẽ phải có thông tin thuê bao chính xác để định danh được. Bộ TT&TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nếu không có thông tin thuê bao chính xác sẽ không được cung cấp dịch vụ này. Vì vậy, các nhà mạng phải nhanh chóng hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao của khách hàng.
 
Hiện Bộ TT&TT và các nhà mạng đang có những động thái siết chặt quản lý thông tin thuê bao di động trả trước. Cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone đã ra thông báo về việc dừng bán bộ hòa mạng (KIT) tại các đại lý ủy quyền và dừng quyền đấu nối số thuê bao của các đại lý này kể từ tháng 6/2020. Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tập trung bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao tại các các điểm cung cấp dịch vụ của chính nhà mạng. Quyết định dừng bán SIM hòa mạng tại các đại lý được các nhà mạng chủ động đưa ra nhằm chấn chỉnh tình trạng SIM rác trên thị trường và chuẩn bị cho việc cung cấp dịch vụ Mobile Money. 
 
Thái Khang (vietnamnet)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top