Thực thi quản lý nhà nước về viễn thông trong môi trường mới

Thứ hai, 15/08/2011 07:44

Trong gần một thập kỷ qua, kể từ thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông 2002 tới nay, thị trường viễn thông Việt Nam đã có những bước chuyển biến hết sức mạnh mẽ. Điều đó đã được thể hiện thông qua các nội dung chính sau đây:

img
Trang Thông tin điện tử Cục Viễn thông (http://www.vnta.gov.vn)

Thứ nhất, thị trường dịch vụ chuyển mạnh từ môi trường độc quyền Nhà nước, độc quyền doanh nghiệp sang cạnh tranh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Tính tới cuối năm 2010, Việt Nam đã có 13 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng và gần 100 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.

Thứ hai, số lượng thuê bao vụ phát triển nhảy vọt, từ số lượng 3 triệu người truy cập Internet trong năm 2002, tới cuối 2010, tổng số người sử dụng Internet quy đổi đạt  31.11 triệu người; thuê bao di động tăng từ gần 60 lần so với năm 2002, từ hơn 2 triệu thuê lên 112.691 triệu thuê bao.

Thứ ba, giá cước các dịch vụ viễn thông giảm mạnh, mạng lưới viễn thông phát triển rộng khắp trên toàn quốc, cung cấp dịch vụ tới các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Sự phát triển của thị trường, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và quá trình cải cách hành chính ở Việt Nam đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về viễn thông phải vừa chú trọng đến việc xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp, vừa tăng cường nhiệm vụ thực thi pháp luật nhằm bảo đảm cho viễn thông Việt Nam phát triển bền vững. Trong những năm qua, chúng ta đã thực hiện nhiệm vụ hoạch định chính sách khá bài bản và đạt hiệu quả tốt, khung pháp lý điều chỉnh thị trường viễn thông được dần hoàn thiện thông qua việc ban hành các quy định pháp luật chung như Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh và các quy định pháp luật chuyên ngành, bao gồm Luật Viễn thông 2009, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 hướng dẫn Luật Viễn thông, các Quyết định, Thông tư điều chỉnh hoạt động nghiệp vụ viễn thông như các quyết định về giá cước, kết nối, quản lý tài nguyên viễn thông. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng bên cạnh việc hoạch định tốt chính sách phát triển viễn thông thì việc thực thi quản lý, điều tiết thị trường viễn thông cũng còn có những lúc chưa theo kịp được với sự phát triển của thị trường mà một trong những nguyên nhân cơ bản là chúng ta chưa có một cơ quan quản lý viễn thông chuyên ngành với đầy đủ thẩm quyền, tổ chức, biên chế và nguồn lực cần thiết để thực thi pháp luật một cách có hiệu quả. 

Để đẩy mạnh hoạt động thực thi quản lý nhà nước về viễn thông, trên cơ sở quy định của Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011, ngày 27/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 35/2011/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Viễn thông.

Việc Cục Viễn thông ra đời không những phù hợp với luật pháp trong nước mà còn phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO và phù hợp với xu thế của thế giới. Điều này được nêu trong thư chúc mừng nhân dịp thành lập Cục Viễn thông của Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế: “Việc thành lập Cơ quan quản lý chuyên ngành về Viễn thông ở Việt Nam là minh chứng tuyệt vời chứng tỏ sự trưởng thành của thị trường. Thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành là công cụ quản lý quan trọng bậc nhất nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đối với mỗi quốc gia”.

Cục Viễn thông được hình thành trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhân sự của Vụ Viễn thông và Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và truyền thông với mục tiêu tăng cường năng lực thực thi quản lý nhà nước về viễn thông theo nguyên tắc “Nhanh chóng, Nghiêm minh, Công bằng, Linh hoạt”.

Quyết định 35/2011/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 nêu rõ Cục Viễn thông có chức năng “tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thông”. Với cơ cấu tổ chức gồm 10 phòng chức năng và 6 trung tâm là các đơn vị sự nghiệp, Cục Viễn thông được giao thực hiện 19 nhiệm vụ chính, trong đó có xây dựng và trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược về viễn thông; cấp phép viễn thông;  quản lý tài nguyên viễn thông; tổ chức xây dựng, quản lý hệ thống đo kiểm chuyên ngành viễn thông phục vụ công tác quản lý viễn thông; quản lý cơ sở hạ tầng viễn thông.

Việc hình thành Cục Viễn thông trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhân lực, vật lực của Vụ Viễn thông và Cục Quản lý chất lượng công nghệ thông tin và truyền thông sẽ giúp khắc phục những hạn chế trong hoạt động thực thi viễn thông trong thời gian qua.

Thứ nhất, quy trình cấp phép viễn thông hiện đã được minh bạch hóa theo hướng rõ tiêu chí, đơn giản thủ tục, thực hiện hành chính một cửa. Khi Cục Viễn thông ra đời, đội ngũ cán bộ theo dõi, giám sát quá trình triển khai giấy phép của các doanh nghiệp viễn thông sẽ được tăng cường nhằm đẩy mạnh hoạt động hậu kiểm, theo dõi việc doanh nghiệp thực hiện cam kết với Nhà nước khi được cấp phép.

Thứ hai, chính sách quản lý kết nối viễn thông đã được quy định rõ trong Luật Viễn thông, Nghị định 25/2011 và các văn bản pháp quy do Bộ ban hành. Việc hình thành Cục Viễn thông sẽ giúp nâng cao hơn nữa hoạt động của hệ thống quản lý chuyên trách về kết nối cả về nhân lực và vật lực nhằm xử lý kịp thời tranh chấp kết nối, bảo đảm các mạng viễn thông được kết nối hợp lý trên nguyên tắc công khai, minh bạch.

Thứ ba, chức năng, nhiệm vụ được giao cho Cục Viễn thông thể hiện quan điểm thống nhất quản lý chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông từ khâu cấp phép khi thẩm định phương án bảo đảm chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông tới  hoạt động quản lý hậu kiểm, bao gồm việc kiểm tra, giám sát xử lý các hành vi phạm trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ cho người sử dụng.

Thứ tư, do cạnh tranh, các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thường đưa ra các giải pháp kinh tế để bù chéo và phá giá thông qua khuyến mại, giảm giá cước quá mức nhằm triệt tiêu các doanh nghiệp nhỏ, từ đó dẫn đến độc quyền trở lại. Nhìn chung các giải pháp này tác động ngay đến thị trường với số lượng không nhỏ các khách hàng chuyển từ mạng của doanh nghiệp này sang mạng của doanh nghiệp khác chỉ trong vài ngày. Việc hình thành Cục Viễn thông với bộ máy đủ để giám sát sự biến động không bình thường của thị trường do ảnh hưởng của cạnh tranh không lành mạnh, kịp thời có biện pháp điều tiết thị trường, hướng tới mục tiêu lâu dài là duy trì sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông.

Với việc Cục Viễn thông chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/8/2011, song song với hệ thống chính sách viễn thông đã và đang được hoàn thiện thì hoạt động thực thi viễn thông sẽ được thực hiện hiệu quả hơn, giúp thị trường phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh, bền vững, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp, góp phần cải cách nền hành chính quốc gia và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế./.

Cục VT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top