Bình Phước đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số
Dự họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Các chỉ tiêu cơ bản chuyển biến rõ nét
Theo báo cáo tại cuộc họp, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh ở cấp tỉnh tăng từ 91% lên 95,57% trong thời gian từ ngày 1-5-2022 đến 22-6-2022. Cổng dịch vụ công tỉnh đã tiếp nhận mới 40.689 hồ sơ, nâng lũy kế hồ sơ cần giải quyết lên 93.068. Trong kỳ, các đơn vị đã giải quyết được 43.645 hồ sơ, trong đó có 1.265 hồ sơ đã trễ hạn; còn lại 49.392 hồ sơ đang giải quyết, trong đó có 21 hồ sơ đã trễ hạn. Sau 22 ngày đêm thực hiện chiến dịch, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn đã giải quyết trong kỳ là 2,9%, so với trước ngày 1-6 tỷ lệ này ở mức 3,78%, giảm 0,88%. Tỷ lệ xử lý dịch vụ công trực tuyến tăng từ khi bắt đầu triển khai chiến dịch là 90,18% đến ngày 22-6-2022 đã tăng lên 100%.
Đến nay, hệ thống báo cáo Chính phủ GRIS đã tiếp nhận 13 báo cáo của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.
Ở lĩnh vực thanh toán trực tuyến, có 113 giao dịch phí, lệ phí bằng hình thức trực tuyến đạt 17 triệu đồng; thanh toán nghĩa vụ đất đai trực tuyến có 4.889 giao dịch đạt hơn 75 tỷ đồng. Đối với chỉ tiêu số hóa hồ sơ, đến nay tỉnh chưa có hướng dẫn về việc số hóa hồ sơ nên chưa thống nhất được dữ liệu cho toàn tỉnh. Toàn tỉnh đã hoàn thành công tác triển khai thành lập 111 tổ công nghệ cộng đồng cấp xã với 1.080 thành viên, 844 tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, ấp với 5.520 thành viên.
Theo đánh giá tại cuộc họp, thực hiện chiến dịch 92 ngày đêm đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc triển khai thực hiện dịch vụ trực tuyến, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh; tạo được sự đồng thuận và triển khai quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã.
Đồng thời, các chỉ số quan trọng của kế hoạch đều đã có sự chuyển biến rõ rệt. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đạt được những kết quả tốt ở cấp tỉnh và cấp huyện. Các chỉ tiêu về số dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ về cơ bản đã đạt được mục tiêu 80%.
Xây dựng chính quyền điện tử phải thực chất, tránh hình thức
Ngoài những mặt đạt được, các thành viên dự họp cũng đã tập trung thảo luận, giải trình về những mặt hạn chế, chưa đạt của mỗi đơn vị, địa phương. Trong đó, tập trung đưa ra các giải pháp giải quyết tình trạng hồ sơ trễ hẹn ở các cấp, các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và các văn phòng chi nhánh đăng ký đất đai. Cuộc họp cũng chú trọng thảo luận đưa ra giải pháp nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở một số địa phương.
14 ngày phải hoàn thành 5 nhiệm vụ Cuộc họp cũng đã đưa ra nhiệm vụ cho 2 tuần tiếp theo. Cụ thể, phấn đấu đạt 80% dịch vụ công trực tuyến đối với các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Nâng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến tăng lên 25%. Đạt 100% tỷ lệ số hóa hồ sơ ở cấp tỉnh và cấp huyện. Tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến là 80%. Đối với việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, phấn đấu giảm tỷ lệ hồ sơ quá hạn xuống dưới 1%. |
Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh: Chiến dịch 92 ngày đêm là cơ hội để thực hiện tốt hơn nữa cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Qua đây đã nhận thấy sự quyết liệt của vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong xây dựng chính quyền điện tử. Đồng thời, các sở, ban, ngành đã tăng tốc hơn bằng cách giảm lượt hồ sơ trễ hạn; một số địa phương vùng sâu, vùng xa có sự chuyển biến trong thực hiện cải cách hành chính.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đề nghị các sở, ngành, địa phương bám sát thực hiện 5 nhiệm vụ được đưa ra trong 2 tuần tới, đặc biệt phải giảm hồ sơ trễ hạn từ 2,9% xuống dưới 1% trong 2 tuần tới. Lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt hơn, kiểm tra sát sao hơn trong việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính để đạt mục tiêu của chiến dịch 92 ngày đêm đặt ra. Chấm dứt triệt để hình thức không trung thực - bấm kết thúc hồ sơ khi chưa hoàn thành tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cần giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần vào việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử dễ dàng hơn.
Việc thực hiện thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử phải thực chất, trung thực, hiệu quả thực tế chứ không phải hình thức. Có như vậy mới phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh |