Lục Yên: Hơn 70% số hộ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Với diện tích canh tác trên 3.600 ha lúa, hàng trăm héc-ta rau màu các loại mỗi năm, việc đưa các loại máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu làm đất, tưới nước, thu hoạch lúa...
Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích các hộ nông dân đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa các tuyến đường trục chính, các tuyến mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất; huy động vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ nhân dân mua các loại thiết bị, máy móc cơ giới hóa, góp phần tăng năng suất trong sản xuất, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện ngày càng tăng cao.
Văn Bàn sẽ đầu tư nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông – lâm nghiệp
Việc đầu tư áp dụng máy móc vào sản xuất nông – lâm nghiệp sẽ giúp thay đổi căn bản phương thức sản xuất từ thủ công sang cơ giới với hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao hơn; nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng năng suất và sức cạnh tranh trên thị trường.
Đây là một trong những giải pháp của địa phương để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt từ 120 triệu đồng/ha trở lên.
Theo thống kê của huyện Văn Bàn, trên địa bàn hiện có hơn 9.300 máy móc cơ giới hóa các loại phục vụ sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản.
Quá trình sản xuất được cơ giới hóa giữa các lĩnh vực không đồng đều, lĩnh vực trồng trọt có tỷ lệ cơ giới hóa cao hơn và giảm dần ở các lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.
Trong từng ngành cũng không đều giữa các lĩnh vực, tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất là trên diện tích cấy lúa nước, như: Khâu làm đất và thu hoạch 95%, phun thuốc bảo vệ thực vật 100% diện tích gieo cấy…
Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông - lâm nghiệp sẽ giúp huyện Văn Bàn nâng cao hiệu quả và giá trị trên 1 đơn vị diện tích canh tác.
Cơ giới hóa trong sản xuất lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, lĩnh vực lâm nghiệp, khâu làm đất chỉ chiếm 1%, khâu chăm sóc chiếm khoảng 2%, riêng khâu thu hoạch chiếm khoảng 85% diện tích; lĩnh vực sản xuất thủy sản, khâu thức ăn được thực hiện cơ giới hóa chiếm khoảng 15%, còn lại các khâu khác đều thực hiện thủ công.
Giai đoạn 2022 – 2025 huyện Văn Bàn sẽ đầu tư nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, nổi bật như: Khâu làm đất, chăm sóc cơ giới hóa chiếm khoảng 80% diện tích đất; khâu thu hoạch, máy móc được sử dụng chiếm khoảng 95% trong tuốt lúa, tẽ ngô.
Trong chăn nuôi, 100% trang trại lớn sử dụng cơ giới hóa trong chế biến thức ăn, vệ sinh chuồng trại, khu giết mổ tập trung áp dụng 100% cơ giới hóa trong các khâu chế biến…
Tương tự, trong lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp cũng được đầu tư nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong từng khâu theo các mức tương ứng, phù hợp tình hình thực tế địa phương.
Huyện Văn Bàn cũng xác định mục tiêu đầu tư cơ giới sản xuất nông – lâm nghiệp đến năm 2030, mở các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng máy móc, thiết bị và chuyển giao kỹ thuật; công tác dồn điền đổi thửa tạo thuận lợi cho sản xuất hàng hóa tập trung…
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Điện Biên chưa đồng bộ
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất trong thu hoạch nông sản, giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, thời gian qua ngành chuyên môn, chính quyền các cấp đã có những giải pháp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điên Biên vẫn còn nhiều hạn chế; ở một số khâu tỷ lệ cơ giới hóa rất thấp.
Giai đoạn 2016 - 2021, từ nguồn vốn chương trình 135, toàn tỉnh đã hỗ trợ 2.342 bộ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản cho các hộ dân và nhóm hộ; từ nguồn vốn chương trình 30a, đã có 1.515 hộ được hỗ trợ dụng cụ và máy sản xuất nông sản.
Trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản sau khi thu hoạch, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn, cơ sở chế biến lúa gạo của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty TNHH Trường Hương Điện Biên gắn với hệ thống kho bảo quản, cùng với hệ thống máy móc thiết bị và công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 573 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, như: 60 cơ sở chế biến lúa gạo, 3 cơ sở chế biến chè, 80 cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi, 93 cơ sở chế biến lâm sản...
Thực hiện cơ giới hóa sản xuất, đến nay toàn tỉnh có gần 2.000 máy kéo; hơn 4.800 máy tuốt lúa; hơn 6.100 máy xay xát lúa, ngô; hơn 8.000 máy bơm thuốc trừ sâu; gần 2.700 máy chế biến thức ăn thô (băm, thái)… Cơ giới hóa là “chìa khóa” để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, đồng thời giải quyết được vấn đề bỏ hoang ruộng đất do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân.
Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ. Việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp mới chỉ tập trung đối với sản xuất lúa với các khâu chủ yếu như: Làm đất, thu hoạch và vận chuyển. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất nông lâm, thủy sản, cơ giới hóa mới chỉ được áp dụng trên các cây trồng trọng yếu (lúa, ngô, sắn) và chủ yếu ở khâu làm đất (70%), khâu phun thuốc bảo vệ thực vật (77,55) và tuốt lúa (60%).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay vẫn chủ yếu thực hiện theo hình thức chăn nuôi thủ công; tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong chăn nuôi còn rất thấp (khâu thu hoạch khoảng 5%, khâu chuồng trại 30%), chủ yếu tập trung trong chăn nuôi lợn, gà. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, hiện nay có đến 70% khối lượng công việc vẫn được làm thủ công; áp dụng cơ giới hóa mới chỉ thực hiện được trên hai khâu là chặt hạ và vận chuyển; còn nhiều khâu sản xuất quan trọng chiếm tỷ lệ khối lượng công việc lớn như: trồng, chăm sóc, chữa cháy, bốc xếp, chế biến… tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa chỉ đạt khoảng 5 - 10%.
Một trong những nguyên nhân là do thực trạng ruộng đất còn manh mún, mặc dù tỉnh đã chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa nhưng kết quả thực hiện tại một số địa phương vẫn chưa cao. Trong khi đối với các địa bàn miền núi, ruộng chủ yếu theo kiểu bậc thang nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất gặp không ít khó khăn. Còn với người nông dân, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ lãi suất mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng trên thực tế việc tiếp cận vốn hỗ trợ không đơn giản. Ngược lại nhiều hộ dân, nhóm hộ sau khi được hỗ trợ máy nông nghiệp, thiết bị phục vụ sản xuất, canh tác nhưng chưa phát huy được giá trị; chưa quan tâm bảo quản, sửa chữa máy móc khi bị hỏng, vẫn còn tâm lý “cha chung không ai khóc”.
Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa nông nghiệp
Trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết được vấn đề bỏ hoang ruộng đất do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp hiện nay, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân...
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, giai đoạn 2011-2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30%, máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%, máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần.
Mức độ cơ giới hóa tại một số khâu, trong một số lĩnh vực ngành nông nghiệp có tỷ lệ khá cao như: Trồng trọt đạt từ 70% đến 100% (làm đất, tưới, bảo vệ thực vật), chăn nuôi đạt từ 55% đến 90%... Đối với sản xuất lúa, giai đoạn từ năm 2008 đến 2021, khâu làm đất tăng từ 75% lên 97%, khâu gieo sạ, cấy từ 5% lên 65%, khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật từ 55% lên 80%, khâu thu hoạch từ 15% lên 78%; khâu thu gom rơm, rạ đạt 90%.
Mặc dù thời gian vừa qua, lĩnh vực cơ giới hóa đồng bộ đã đạt được nhiều kết quả nhưng mới tập trung ở một số khâu và áp dụng với một số sản phẩm chủ lực. Chế tạo máy móc, thiết bị trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại, số lượng, cũng như chất lượng máy.
Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho máy động lực, máy canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp như: Giao thông nội đồng, quy mô đồng ruộng còn nhỏ, phân tán, hệ thống tưới, tiêu chưa đồng bộ.
Chất lượng máy móc, thiết bị nông nghiệp chưa được kiểm soát, giám định chặt chẽ; người sử dụng máy, thiết bị nông nghiệp chưa được đào tạo và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; công nghệ và thiết bị chế biến, bảo quản nông sản cũ, lạc hậu, gây tốn nhiều nguyên liệu trong sản xuất, năng suất thấp dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh.
Cơ sở vật chất, phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu; công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong sản xuất, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch một số ngành hàng còn cao.
Nhằm thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới các bộ, ngành và địa phương cần phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp máy móc, thiết bị cơ giới hóa; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học-công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, trọng tâm là tạo mối liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp để nghiên cứu và chuyển giao khoa học-công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp. Đồng thời, phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, công nghệ do trong nước sản xuất và công nghiệp hỗ trợ cho cơ giới hóa nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp...