Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Hữu Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin); ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Langbiang Farm, nguyên Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị, doanh nghiệp bưu chính viễn thông, CNTT, đơn vị cung cấp hạ tầng số; các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Minh Quang cho biết: Thời gian qua, chuyển đổi số trong ngành NN&PTNT đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Toàn ngành đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động điều hành, quản lý chuyên ngành, quy hoạch ngành; nâng cao năng lực quản lý vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, phòng chống thiên tai; tổ chức hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, nông dân, hợp tác xã… Toàn tỉnh đã cấp 19 mã số cơ sở vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 1997,8ha, sản lượng khoảng 223.539 tấn/năm; hỗ trợ nhiều hộ nông dân đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Năm 2022 có 84 hợp tác xã nông, lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; có 22 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, trong đó có 18 hợp tác xã nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, RA, Organic; nhiều sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao…
"Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu, triển khai, định hướng các giải pháp chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Qua đó, giúp ngành nông nghiệp tỉnh nhà và các địa phương trong tỉnh có những quyết sách, chỉ đạo, định hướng cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào quản trị, sản xuất, kinh doanh nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất, tạo đột phá phát triển cho ngành nông nghiệp tỉnh, cũng như nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho hàng hoá, nông sản Bình Phước", Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp... Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung toàn tỉnh về các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng liên quan đến trồng trọt và bảo vệ thực vật, dịch hại và phân bón; triển khai cập nhật thường xuyên mã 5 số vùng trồng.
Lĩnh vực chăn nuôi và thú ý đang tiến hành báo cáo dịch bệnh động vật cấp tỉnh trực tuyến qua Hệ thống VAHIS do Cục Thú y xây dựng; sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nghiệp vụ, lập bản đồ dịch tễ (Quantum Gis), báo cáo tình hình dịch bệnh động vật (Vahis). Lĩnh vực lâm nghiệp đang triển khai ứng dụng hiệu quả các phần mềm: Quản lý động vật hoang dã (http://wl.globits.net); theo dõi, cập nhật diễn biến rừng (FORMIS); thống kê ngành lâm nghiệp (http://giamsatdanhgia.com/cms.nc/); theo dõi cháy rừng trực tuyến (http://watch.pcccr.vn/DiemChay).
Tại hội thảo, đại biểu được nghe nhiều tham luận của đại diện các cơ quan chuyên môn, chuyên gia chuyển đổi số và các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số trình bày về các giải pháp tạo lập, quản lý cơ sở dữ liệu ngành NN&PTNT; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nông nghiệp số; an toàn thông tin trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Phát biểu kết luận hội thảo, Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Thụy Luân nhấn mạnh: Muốn thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp thành công thì người đứng đầu phải tiên phong, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm và tiến hành thường xuyên, liên tục. Chuyển đổi số không phải là phong trào, mà là xu thế phát triển tất yếu, do đó ngành nông nghiệp tỉnh không thể đứng ngoài cuộc. Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Thụy Luân tin tưởng rằng, sau hội thảo này, toàn ngành sẽ bước vào công cuộc số hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ, thực chất./.