Ứng dụng công nghệ số còn hạn chế
Chia sẻ về bức tranh chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) cho biết, dù có xu hướng mới trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng mức độ thành thạo của DN cả nước nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng trong ứng dụng công nghệ số tương đối hạn chế, hiện mới chỉ ứng dụng trong lĩnh vực bán hàng, quản trị kinh doanh, thanh toán; còn lĩnh vực chế biến, chế tạo, quản lý chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ ở mức rất thấp.
Việc tham gia kênh truyền thông chuyển đổi số quốc gia trên Zalo có vai trò quan trọng giúp DN nhỏ và vừa phát triển bền vững.
Đề xuất về giải pháp chuyển đổi số cho DNNVV trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trần Minh Tuấn cho rằng, đối với DN chưa biết đến chuyển đổi số cần tiếp cận, tham gia kênh truyền thông chuyển đổi số quốc gia trên nền tảng Zalo. Đồng thời, tham gia các khoá học dành cho DN chuyển đổi đổi số, nâng cao kỹ năng số. Đối với DN đã áp dụng chuyển đổi số cần đẩy mạnh đưa hoạt động của DN lên môi trường mạng, thông qua các nền tảng như điện toán đám mây. Tuy nhiên, các DN nên chọn những nền tảng phù hợp, có tính năng đủ sâu, dễ dùng, dễ triển khai để phục vụ chính xác nhu cầu của DN.
Về phía chính quyền cũng phải chung tay hỗ trợ DN trong thực hiện chuyển đổi số như xây dựng hạ tầng và kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, kết hợp các chi nhánh ngân hàng xây dựng các trạm dịch vụ trong KCN, khu chế xuất để thúc đẩy DN tham gia chuyển đổi số. “Thời gian qua, Bộ TT&TT và Bộ KH&ĐT đã triển khai một số chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số nhằm vượt qua đại dịch và hướng tới mô hình kinh doanh bền vững. Đây sẽ là cơ hội để DN tiếp cận và đẩy mạnh lĩnh vực này”, ông Tuấn thông tin tại hội nghị.
Tiến sĩ Trương Bá Hà, Giám đốc Công ty phần mềm PSC cho rằng, việc thúc đẩy chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng đối với khả năng phục hồi và tăng trưởng của Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Hà cũng đưa ra các gợi ý về xây dựng chiến lược chuyển đổi số như: các DN cần khảo sát và đánh giá đúng hiện trạng; phát triển một chiến lược và kế hoạch chi tiết về chuyển đổi số và số hoá bất cứ nơi nào có thể.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông cho biết, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 11.549 DNNVV, chiếm tỷ lệ 97% tổng số DN. Việc hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số. Điều này có thể thấy rõ qua sự phát triển của các nền tảng trực tuyến làm thay đổi các phương thức quản lý, điều hành, sản xuất - kinh doanh, mua bán online, thanh toán không dùng tiền mặt... Các tiện ích thông minh được ứng dụng ngày càng nhiều để hỗ trợ công tác quản lý, thay thế dần các phương thức thủ công truyền thống.
Mặc dù vậy, công tác chuyển đổi số trong DNNVV trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, hiệu quả còn thấp. Nguyên nhân được cho là DNNVV chưa thấy rõ được nhu cầu, sự cần thiết phải chuyển đổi số. Do vậy, việc chuyển đổi số trong DN, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế. Một số DN chưa nhận thức đúng về chuyển đổi số, chưa xác định được vấn đề, lộ trình để chuyển đổi số. Đặc biệt, còn có tâm lý lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin.
“Tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2023-2025 với mục đích triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung của Luật Hỗ trợ DNNVV, các nghị định của Chính phủ, văn bản hướng dẫn có liên quan. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV; giải quyết việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, chú trọng nội dung hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số”, ông Đặng Minh Thông thông tin thêm./.