Thúc đẩy chương trình chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa

Thứ năm, 06/10/2022 15:03

Ngày 6/10/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, với chủ đề “Thúc đẩy chương trình chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa”.

Tham dự sự kiện có các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông; Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa; Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Cục trực thuộc các Bộ và các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ; lãnh đạo các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Thanh Hóa và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chuyển đổi số góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số. Nhiều chỉ số xếp hạng cấp tỉnh năm 2021 đều nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, điển hình: Năm 2021, Thanh Hóa đã bứt phá ngoạn mục vươn lên xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI (tăng 21 bậc so với năm 2020) và thứ 14 cả nước về Chỉ số PAR INDEX (tăng 15 bậc so với năm 2020). Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, Thanh Hóa đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.

20221006-pg5.jpg

Các đại biểu dự Hội nghị

Phát biểu khai mạc các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, đồng chí Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: Chuyển đổi số hiện nay không còn là một ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai mà đây là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Nhận thức được những cơ hội, thách thức và xu thế tất yếu của chuyển đổi số, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động; phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

20221006-pg6.jpg

Toản cảnh Hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm, cho biết: So với nhiều địa phương khác, Thanh Hóa chưa phải là tỉnh có nguồn lực kinh tế mạnh, nhưng đã có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp… Qua đó, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, như cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao… Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 Thanh Hóa đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cũng nêu bật những kết quả chuyển đổi số của tỉnh trong 9 tháng năm 2022 trên các mặt như hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đơn cử như về chính quyền số, hệ thống văn bản được kết nối liên thông giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cả 3 cấp trên địa bàn tỉnh và kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; tổng số lượt trao đổi, gửi/nhận qua hệ thống trên 2,8 triệu lượt văn bản; tỷ lệ văn bản được ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ văn bản ký số cơ quan đạt 100%, giúp cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Về xã hội số, đã triển khai nền tảng học trực tuyến mở đại trà và các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức nòng cốt; cán bộ lãnh đạo cấp xã; thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân. Thành lập 4.233 Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm và hơn 14.478 thành viên tham gia để thúc đẩy chuyển đổi số đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

20221006-pg1.jpg

Đồng chí Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cũng nêu những khó khăn, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đồng thời nhấn mạnh: Việc tổ chức các chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là cơ hội để tìm hiểu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách căn bản nhất, có những góc nhìn sâu sắc hơn từ những chuyên gia đến từ các bộ, ngành của Trung ương và các Tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin. Với tinh thần “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”;  Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu tại sự kiện, đồng chí Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao tinh thần triển khai chiến lược chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa qua chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022. Điều này đã thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong việc thúc đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số để đạt được mục tiêu đề ra.

20221006-pg7-CucCDS.jpg

Đồng chí Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Phó Cục trưởng nêu rõ: Định hướng xuyên suốt trong năm 2022 và thời gian tới là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số. Trong đó, trọng tâm là phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến; phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân; phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có hướng dẫn về hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, đề nghị tỉnh Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo và coi đây là nhân tố quyết định thành công. Định hướng của Bộ là tập trung vào việc đưa hoạt động của người dân lên môi trường số vào nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để kịp thời theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc triển khai, thực hiện. Trong đó ưu tiên thúc đẩy các nền tảng số Việt Nam phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân thuộc các lĩnh vực liên lạc, mua sắm, giải trí, sức khỏe, học tập, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng... Chỉ đạo, cử cán bộ liên quan tham gia khóa học trực tuyến miễn phí về cách tiếp cận nền tảng trong triển khai chuyển đổi số trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông để hiểu và tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương cần sớm xây dựng cho mình kiến trúc, quy hoạch về dữ liệu, qua đó sẽ biết được dữ liệu gì đã có và được lấy ở đâu; dữ liệu gì cần phải được xây dựng và tiến độ ra sao.

Nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số Thanh Hóa

Tham dự phiên toàn thể nhân sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, với chủ đề “Thúc đẩy chương trình chuyên đổi số tỉnh Thanh Hóa”, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số và lãnh đạo một số tập đoàn công nghệ số hàng đầu Việt Nam, như VNPT, MISA, BKAV… đã trao đổi, chia sẻ và tham vấn đối với tỉnh Thanh Hóa nhiều nội dung quan trọng, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và kế hoạch chuyển đổi số trong thời gian tới. Điển hình như Chiến lược chuyển đổi số quốc gia và định hướng chuyển đổi số địa phương trong giai đoạn mới; Phương pháp luận về chuyển đổi số; chuyển đổi số tại cơ sở - Những bài học kinh nghiệm; MISA đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tỉnh Thanh Hóa; Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh…

20221006-pg7-kket.jpg

Ký kết hợp tác về Hỗ trợ trong công tác đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số, phối hợp rà quét, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng giữa Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT và Sở TT&TT Thanh Hóa.

20221006-pg7-kket2.jpg

Ký kết hợp tác về Hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa trong chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử giữa Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh và Mobifone Thanh Hóa.

Cũng tại phiên toàn thể đã diễn ra lễ ký Biên bản hợp tác chiến lược chuyển đổi số giữa các sở, ngành, địa phương tỉnh Thanh Hóa với các đơn vị hợp tác chiến lược như: Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa và Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở Y tế và VNPT Thanh Hóa; UBND TP Thanh Hóa và Viettel Thanh Hóa; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Mobifone Thanh Hóa; Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa và Công ty CP MISA...

Đồng thời, lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nghi thức Khai trương thử nghiệm phát sóng 5G và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thanh Hóa; trải nghiệm mạng 5G và tham quan Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Thanh Hóa.

20221006-pg7-ktrg.jpg

Khai trương thử nghiệm phát sóng 5G và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Thanh Hóa.

Nằm trong chuỗi sự kiện Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022 tại Thanh Hóa, chiều cùng ngày diễn ra 2 phiên thảo luận chuyên đề: “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Thanh Hóa” và “Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh”. Đây là nội dung quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn với kỳ vọng tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

20221006-pg7-IOC2.jpg

Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC tỉnh Thanh Hóa.

Tại diễn đàn quan trọng này, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia sẽ thảo luận, tư vấn về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, như góc nhìn bộ phận triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp; vai trò của các bộ phận trong triển khai chuyên đổi số của doanh nghiệp…; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp Thanh Hóa như: Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; nền tảng và ứng dụng AI trong sản xuất nông nghiệp thông minh; một số giải pháp phối hợp xây dựng, quản lý, khai thác “Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi” và “Hệ thống thông tin và cơ sở cấp, quản lý mã số vùng trồng”; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa… Đây là những tham vấn quan trọng giúp doanh nghiệp thích ứng và thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số; giúp ngành nông nghiệp đi đúng hướng trong hoạt động chuyển đổi số của ngành, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

theo baothanhhoa.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top