Sau 3 năm triển khai siêu ứng dụng trên nền tảng di động Hue-S, tỉnh Thừa Thiên Huế đã "thay da đổi thịt" với nhiều bước đột phá đáng kể như giúp chính quyền địa phương giải quyết nhanh chóng yêu cầu của người dân; rút ngắn thời gian xử lý và tiết kiệm chi phí; tác động tích cực đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của người dân thời xây dựng được lòng tin với mọi người. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh cho biết sẽ không dừng lại mà sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Thúc đẩy thanh toán số trên nền tảng Hue-S
Tại lễ ra mắt "Giải pháp thanh toán số trên nền tảng Hue-S" được tổ chức ở chợ Đông Ba (thành phố Huế), ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết cần phải đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phát triển mà lâu nay Thừa Thiên Huế đã triển khai nhưng chưa đạt được mục tiêu như mong muốn về thương mại điện tử, thanh toán. Do vậy cần có những giải pháp tốt hơn. Nếu không tiến tới thì công tác chuyển đổi số sẽ tụt hậu ngay lập tức.
"Trong lễ ra mắt giải pháp thanh toán số trên nền tảng Hue-S và ví điện tử, chúng tôi mong muốn qua lễ phát động này có thể thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán số trên nền tảng Hue-S", ông Bình nói.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn các cơ quan ban ngành, các địa phương, Sở TT&TT tiếp tục chỉ đạo, tạo môi trường thuận lợi nhất, giải pháp tốt nhất để có thể thực hiện tốt công tác thanh toán không dùng tiền mặt. Trước năm 2025 phấn đấu đạt 45% doanh nghiệp thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Cũng trong sự kiện, thay mặt cho Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn khẳng định, tỉnh Thừa Thiên Huế là tỉnh đầu tiên trên cả nước đưa ví điện tử vào nền tảng quản lý, chưa có một địa phương nào kể cả Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này nói lên sự khát vọng, mong muốn mang tới sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Có lẽ vị trí chuyển đổi số của Huế sẽ vươn lên top 1 nhờ vào hoạt động này. "Vào 8 giờ sáng nay, tỉnh đã có hơn 300 điểm chấp nhận thanh toán ví điện tử Hue-S; 20.000 ví điện tử trên hệ thống Hue-S được kích hoạt. Qua những con số trên đây có thể thấy rõ là chưa có một chính quyền nào thực hiện nhanh và tích cực như Thừa Thiên Huế", ông Khoa nói.
Nhờ việc ứng dụng giải pháp thanh toán số trên nền tảng Hue-S, bà con tiểu thương ở chợ Đông Ba có thể tăng doanh số và thu hút được nhiều khách hàng hơn, nâng cao trải nghiệm mua sắm. Và đương nhiên người dân sẽ được hưởng cuộc sống 4.0 do giải pháp thanh toán số liền mạch mang lại.
Cuối cùng theo ông Khoa, FPT cam kết sẽ mang đến những dịch vụ, công nghệ, nhân lực tốt nhất của mình để cùng đồng hành cùng công cuộc phát triển xã hội của Thừa Thiên Huế.
Trong chiến lược phát triển của Tập đoàn, FPT sẽ có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin chuyển đổi số vào năm 2035. FPT tin tưởng rằng với năng lực công nghệ như vậy sẽ tiếp tục đồng hành với Thừa Thiên Huế để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn nhằm phụng sự khát vọng đưa người dân Huế, xã hội, kinh tế Huế ngày càng phát triển, tạo ra năng lực cạnh tranh đặc biệt cho Thừa Thiên Huế.
Cũng trong sự kiện này đã diễn ra ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế giữa Trung tâm IOC Thừa Thiên Huế và Tập đoàn FPT.
Ví điện tử Hue-S là giải pháp thanh toán số liền mạch, kết nối với 40 ngân hàng, cho phép người dùng thực hiện nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán nhiều loại hóa đơn dịch vụ tiện ích ngay trên nền tảng Hue-S mà không cần chuyển tiếp qua bất cứ ứng dụng trung gian khác. Đặc biệt, tính năng quét mã QR trên Hue-S đã được hợp nhất với tính năng thanh toán, cho phép người dùng có thể quét mã QR để mua sắm tại hơn 150.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc.
Đây là kết quả ban đầu của nội dung hợp tác chuyển đổi số giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn FPT, được ký kết trong Tuần lễ chuyển đổi số Thừa Thiên Huế tháng 8/2022. Với phương châm may đo giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương, ví điện tử được “nhúng” ngay trên Hue-S – một ứng dụng được người dân Thừa Thiên Huế sử dụng hàng ngày. Với ví điện tử Hue-S, người dân trên địa bàn có thể dễ dàng đăng ký mở tài khoản và sử dụng dễ dàng. Người sử dụng có thể chuyển tiền vào ví hoặc dùng thẻ ATM của 40 ngân hàng nội địa và quốc tế để thanh toán, mua sắm một cách dễ dàng với ứng dụng Hue-S.
Bắt đầu triển khai từ cuối tháng 8, đội ngũ kỹ thuật viên của Sở TT&TT Huế cùng Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom, Công ty thành viên thuộc Tập đoàn FPT) đã hoàn tất quá trình tích hợp vào cuối tháng 9 và bắt đầu giới thiệu dịch vụ tới bà con, tiểu thương ở Huế./.