Theo đó, đến năm 2030, Thừa Thiên Huế hoàn thiện mô hình Chính quyền số, xã hội số. Đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội; Kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Là nền tảng động lực để phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Thừa Thiên Huế: Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số
Thứ năm, 20/08/2020 09:02
Ngày 31/7/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 1957/QĐ-UBND phê duyệt chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế với phương châm “4 Không 1 Có” bao gồm: Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung nhiều; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không dùng tiền mặt và luôn luôn có câu hỏi thông tin, dữ liệu được tiếp cận đã được số hóa chưa?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế
Chương trình chuyển đổi số Thừa Thiên Huế mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp khi góp phần giảm thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ trên mạng với mục tiêu 100% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh được xác thực định danh điện tử thông suốt hợp nhất từ hệ thống Trung ương và 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên môi trường mạng. Chương trình chuyển đổi số tập trung xây dựng và triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành tại 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và 60% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh và đưa vào khai thác hiệu quả.
Hướng đến nền kinh tế số và xã hội số, Chương trình chuyển đổi số đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đóng góp 20% tổng GDP toàn tỉnh, 50% người dùng smartphone được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh và 50% người dùng smartphone tham gia vào hoạt động thanh toán điện tử, với 100% người dân đảm bảo điều kiện được phổ cập điện thoại thông minh.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tập trung vào phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Các chuyên đề tập huấn, Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm và các khóa đào tạo chuyên sâu, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, các chuyên mục tuyên truyền về kế hoạch và kết quả thực hiện chuyển đổi số của tỉnh trên báo chí và phương tiện truyền thông của tỉnh cũng được quan tâm triển khai. Các giải pháp về kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển dữ liệu, xây dựng nền tảng số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số, phát triển nguồn nhân lực được triển khai đồng bộ nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho chương trình chuyển đổi số.
Các dịch vụ đô thị thông minh là một trong những ưu tiên của chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chương trình cũng ưu tiên chuyển đổi số trong cơ quan hành chính nhà nước với việc cấp phát 100% chữ ký số và quy định bắt buộc sử dụng như là một yêu cầu nhằm xác thực định danh văn bản điện tử, hướng đến triển khai mô hình công sở điện tử, áp dụng công nghệ để kiểm soát toàn diện từ quản lý hành chính cho đến quản lý công việc, bên cạnh đó Chương trình ưu tiên phát triển Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh một số ngành, địa phương trọng điểm: Thành phố Huế, Y tế, Giáo dục, Du lịch, Môi trường, Giao thông. Chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế với mục tiêu đến năm 2025, đảm bảo 95% người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử và người dân toàn tỉnh có thể tra cứu thông tin dễ dàng, hiệu quả các ứng dụng cung cấp kiến thức phòng bệnh, khám bệnh và chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo đến năm 2025, có ít nhất 25% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có dịch vụ chăm sóc, khám chữa bệnh từ xa. Chuyển đổi số trong giáo dục hướng đến năm 2025, 100% trường học được kết nối đường truyền băng thông rộng; 100% học sinh, sinh viên các cấp tại tỉnh được tiếp cận Internet, kho học liệu trực tuyến và 100% trường học, cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị nhà trường (từ quản lý học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ đến quá trình học tập, thời khóa biểu). Chuyển đổi số trong du lịch với mục tiêu mọi khách du lịch từ khi đặt chân đến và rời đi khỏi tỉnh Thừa Thiên Huế được trải nghiệm các dịch vụ số từ miễn phí dịch vụ Internet WiFi đến được hỗ trợ các dịch vụ trợ lý du lịch ảo 24/7 trên ứng dụng điện thoại di động. Các lĩnh vực văn hóa - thể thao, giao thông - vận tải, logistics, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân lực cũng được ưu tiên chuyển đổi số.
Cũng theo quyết định được phê duyệt, kinh phí thực hiện chương trình chuyển đổi số từ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 của ngân sách Nhà nước. Các nguồn kinh phí xã hội hóa, tài trợ, viện trợ và chương trình nghiên cứu các đề tài khoa học cũng được sử dụng triển khai chương trình chuyển đổi số. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Ban Chỉ đạo Chính quyền điện tử có trách nhiệm chỉ đạo, điều phối chung việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và chủ trì xây dựng Đề án tổng thể chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030, trình phê duyệt triển khai cho giai đoạn./.
Từ khoá: