Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ và các đại biểu cắt băng khai mạc.
Hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2022 được tổ chức với nhiều hình thức sôi nổi và ý nghĩa, bao gồm: Thi sắp xếp sách nghệ thuật với chủ đề “Đọc sách cho ngày mai”; tặng sách cho Trại giam Bình Điền và Trại giam Công an tỉnh Thừa Thiên Huế; mở cửa phòng đọc thiếu nhi và khởi động “Tuần lễ đọc sách miễn phí”; giới thiệu góc Tủ sách Huế và không gian trưng bày “Huế trong mắt em”...
Lãnh đạo tỉnh và các nhà Nghiên cứu tham dự và chúc mừng Lễ ra mắt 02 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế.
Đặc biệt, trong dịp này, Ban điều hành Tủ sách Huế đã tổ chức lễ ra mắt 02 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế là “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” và “Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Đây là hai ấn phẩm có giá trị nội dung về các di sản văn hóa đặc sắc của Huế, đó là Ca Huế và Áo dài, được các chuyên gia, nhà nghiên cứu thực hiện với hàm lượng thông tin phong phong phú, chính xác với độ tin cậy cao. Việc ra mắt 02 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế đúng vào dịp Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022 tỉnh Thừa Thiên Huế là hoạt động hết sức có ý nghĩa, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người yêu sách, yêu văn hóa Huế.
Các em học sinh tham gia Hội thi xếp sách theo chủ đề.
Phát biểu khai mạc, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao cho biết, những năm qua đọc sách và việc phát triển văn hoá đọc ngày càng được quan tâm hơn với rất nhiều hoạt động. Các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam hàng năm ngày càng được tổ chức một cách rộng rãi, đồng bộ đem lại nhiều kết quả tích cực trong phát triển văn hóa đọc tại địa phương. Việc này đã khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách, khuyến khích việc đọc sách trong cộng đồng… Qua đó, còn tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, sưu tầm và các tổ chức có đóng góp cho phát triển văn hoá đọc.
Chia sẻ về việc đọc, và lan toả việc đọc sách, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ cho rằng, nhớ đến Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là chúng ta phải nhớ đến giá trị của sách trong việc truyền bá kiến thức, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người. Đây là dịp khuyến khích, phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng, tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho mọi người tiếp cận việc đọc, phát huy việc đọc ở nhà, trường học, cơ quan, đơn vị… góp phần xây dựng xã hội học tập.