Các ban, ngành, địa phương cấp xã làm tốt công tác phối hợp với các đồn Biên phòng tổ chức tuyên truyền theo từng chuyên ngành, lĩnh vực, đối tượng cụ thể. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả, từ năm 2017 đến năm 2021, các đơn vị của BĐBP Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các lực lượng liên quan tuyên truyền trực tiếp cho đồng bào các dân tộc trên 2 tuyến biên giới của tỉnh được 924 cuộc/47.805 lượt người tham gia; biên soạn 278 đề cương, 88 tiểu phẩm, 32 tiết mục văn nghệ, in và phát hành 42.000 tờ rơi, tờ gấp để trực tiếp phát cho người dân trên địa bàn cũng như ngư dân các tỉnh bạn vào cập bến tại khu neo đậu của tỉnh.
Các đồn Biên phòng cũng phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp các huyện và Ban Tư pháp các xã biên giới tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn và thành lập 33 Câu lạc bộ tư vấn pháp luật, gần 200 Tổ hòa giải, Tổ tư vấn pháp luật tại chỗ ở các xã biên giới. Thành viên Câu lạc bộ tư vấn pháp luật bao gồm cán bộ đồn Biên phòng, cán bộ tư pháp, văn hóa của địa phương. Các Câu lạc bộ tư vấn pháp luật, Tổ hòa giải, Tổ tư vấn pháp luật tại chỗ đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn trong nhân dân, qua đó, góp phần giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, hạn chế tối đa việc khiếu kiện đông người, khiếu nại vượt cấp, hạn chế các tai tệ nạn xã hội phát sinh và các phong tục, tập quán lạc hậu trong nhân dân từng bước được đẩy lùi.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, UBND tỉnh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng theo hướng cụ thể, thiết thực. Từ năm 2017 đến năm 2021, tỉnh đã tổ chức 102 lớp tập huấn cho 3.906 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia.
Tuy đã tổng kết Đề án, nhưng 15 đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh và 215 đồng chí tuyên truyền viên vẫn thường xuyên hoạt động để tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với nhân dân khu vực biên giới. Các địa phương, đơn vị cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên, bởi đây là kênh thông tin quan trọng nhất để quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới”.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các cấp cơ sở, các đồn Biên phòng phát huy như: Mô hình “Lớp học xóa mù chữ” ở các đồn tuyến núi lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do cán bộ BĐBP trực tiếp lên lớp, giúp nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới xóa mù chữ, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đồng thời, nâng cao nhận thức về pháp luật. Mô hình “Tiếng loa Biên phòng - phòng, chống dịch Covid-19” được duy trì từ năm 2020, với hình thức tuyên truyền bằng loa lưu động, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân...
Có thể nói, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật đến cán bộ, nhân dân vùng biên giới. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở các địa phương, đơn vị trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 2 tuyến biên giới của tỉnh.