Một mục tiêu của việc lập Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021-2030 là xây dựng hạ tầng TT&TT bền vững, đẩy mạnh công tác quản lý, thúc đẩy phát triển các hạ tầng trọng yếu quốc gia (Ảnh minh họa)
Quyết định 1532 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, Quy hoạch hạ tầng TT&TT là quy hoạch quốc gia có xét đến kết nối quốc gia, định hướng phát triển đồng bộ với hạ tầng TT&TT các địa phương, bao gồm hạ tầng bưu chính, viễn thông, CNTT, phát thanh truyền hình.
Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời bao gồm không phận, vị trí quỹ đạo vệ tinh mà Việt Nam có chủ quyền.
Mục tiêu của việc lập Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhằm góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia đồng thời bảo đảm khả năng thông suốt về hạ tầng TT&TT trong hội nhập quốc tế.
Nâng cao năng lực cạnh tranh lãnh thổ của quốc gia, tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng và địa phương, giảm sự bất bình đẳng giữa các vùng, miền; bảo đảm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương và lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại.
Quy hoạch cũng hướng tới góp phần tạo ra nhiều việc làm, ổn định sinh kế, hạn chế bất bình đẳng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số; là công cụ hiệu quả để chính quyền các cấp trong cả nước lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất quản lý, sử dụng trong việc hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công, đảm bảo tính khách quan, khoa học trong lĩnh vực TT&TT.
Đồng thời, thiết lập mạng thông tin dùng riêng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; xây dựng hạ tầng TT&TT bền vững, đẩy mạnh công tác quản lý, thúc đẩy phát triển các hạ tầng trọng yếu quốc gia, góp phần phát triển ngành TT&TT.
Một trong những nguyên tắc lập Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 là bền vững và dài hạn, bảo đảm lập quy hoạch dựa trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường cho một thời gian dài, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc lập quy hoạch cũng cần bảo đảm các nguyên tắc khác như: Bảo đảm tính khả thi trong triển khai, phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực của quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng phương hướng, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong và ngoài nước;
Bảo đảm tính kế thừa và tính mở để tiếp cận các phương pháp quy hoạch hiện đại; Bảo đảm tính liên kết không gian, thời gian trong hoạt động quy hoạch; Bảo đảm an toàn thông tin mạng và tính dự phòng trong quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng các nguồn lực để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của các sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh...
Cũng tại quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ các yêu cầu về nội dung quy hoạch, phương pháp lập quy hoạch; thành phần, số lượng, tiêu chuẩn, quy cách hồ sơ quy hoạch và chi phí lập quy hoạch.
Thời hạn lập Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không quá 12 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ TT&TT có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán của dự án và lựa chọn đơn vị lập quy hoạch theo đúng quy định hiện hành. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ TT&TT lập Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 theo quy định, đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ. |