Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Phiên toàn thể về Ngoại giao phục vụ phát triển đất nước
Hội nghị Ngoại giao 31 được tổ chức ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa diễn ra ngày 14/12, tập trung vào các vấn đề cụ thể để đánh giá xu thế lớn của tình hình thế giới và kinh tế thế giới, thời cơ và thách thức đối với Việt Nam để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới; đề xuất mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhằm triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển đất nước.
Thứ trưởng Phan Tâm đã tham dự và phát biểu tham luận tại hội nghị, trong đó nhấn mạnh các vấn đề mang tính xu hướng toàn cầu gắn với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội như gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trong nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ số; xu hướng chuyển đổi số, phát triển số, không gian số, tài nguyên số … đi cùng với các vấn đề mới, đầy thách thức là chủ quyền số, chủ quyền dữ liệu số, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng,.... . Bởi vậy, trong không gian số toàn cầu và không giới hạn này thách thức đặt ra đối với hoạt động hợp tác quốc tế, ngoại giao là rất lớn. Thách thức thêm nữa là luật lệ quốc tế chưa phát triển, các định chế quốc tế cũng chỉ mới bắt đầu quan tâm đến các vấn đề mới phát sinh.
Hiện nay, các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội chuyển dịch ngày càng nhiều lên môi trường số là xu thế tất yếu. Môi trường số không bị giới hạn về không gian như quan niệm truyền thống về không gian và biên giới lãnh thổ thông thường. Như vậy, hợp tác quốc tế trong việc định hình các khuôn khổ pháp lý chung, các chuẩn mực giao dịch, ứng xử quốc tế trên không gian số là hết sức quan trọng. Lãnh thổ, chủ quyền số của các quốc gia trên không gian số đang đứng trước những nội hàm và thách thức mới. Dữ liệu số là tài nguyên mới, là nguồn lực mới do vậy mỗi quốc gia phải có chủ quyền với dữ liệu số. Quyền của một quốc gia đối với việc thu thập, xử lý và quản lý dữ liệu trong phạm vi quản lý của mình chính là chủ quyền dữ liệu. Dữ liệu phải tuân thủ quy định tại quốc gia nơi mà nó phát sinh thì quốc gia đó mới có thể chủ động khai thác giá trị.
Phát triển kinh tế số và xã hội số phải gắn liền với bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia, an ninh mạng, từng bước xây dựng và củng cố vững chắc chủ quyền số quốc gia và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Một quốc gia không an toàn, không ổn định nếu không gian mạng của quốc gia đó không an toàn, không ổn định. Trong bối cảnh như vậy, hợp tác quốc tế và hoạt động ngoại giao là hết sức quan trọng để tạo ra môi trường số an toàn, tin cậy, ổn định, thuận lợi cho hợp tác, phát triển và cùng thịnh vượng.
Quan điểm chung trong hợp tác quốc tế để phát triển Kinh tế số, đảm bảo An toàn thông tin mạng là nhất quán với đường lối đối ngoại của Đảng đó là kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong bảo đảm an toàn thông tin mạng; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế để thực hiện phát triển số cùng với các quốc gia khác.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ bám sát định hướng trên trong thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực mới này và xác định một số nhiệm vụ lớn sau:
Chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, các sáng kiến về kinh tế số, xã hội số, tham gia xây dựng các khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế mới về công nghệ số, kinh tế số, xã hội số phù hợp với mục tiêu và lợi ích của Việt Nam;
Là thành viên có trách nhiệm trong xử lý và giải quyết các vấn đề, thách thức liên quan đến kết nối số, hài hòa hóa tiêu chuẩn, thúc đẩy thương mại số, nâng cao năng lực số và thu hẹp khoảng cách số, bảo vệ người tiêu dùng;
Tăng cường hợp tác với các quốc gia, nhất là các quốc gia trong khu vực và quốc gia có quan hệ là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam, trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau phát hiện, xử lý, ứng cứu, điều tra số khi xảy ra tấn công mạng xuyên biên giới. Đẩy mạnh thể hiện vai trò thành viên sáng lập của Diễn đàn toàn cầu về không gian mạng (GFCE - Global Forum on Cyber Expertise);
Tiên phong nghiên cứu, tham gia tích cực giải quyết các vấn đề quốc tế mới, khó về chính sách và kỹ thuật liên quan đến an toàn không gian mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn Bộ Ngoại giao sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các phương châm ngoại giao nêu trên, đặc biệt là phương châm “tìm cách làm mới, hướng đi mới, lĩnh vực mới” để chủ động bảo vệ chủ quyền số từ sớm, từ xa; để chủ động có những sáng kiến ngoại giao số góp phần định hình khuôn khổ pháp lý số cho không gian mạng toàn cầu phù hợp lợi ích quốc gia./.