Thứ trưởng Phạm Hồng Hải tiếp Giám đốc thị trường vốn châu Á -TBD Ngân hàng BNP Paribas

Thứ sáu, 12/05/2017 10:12

Ngày 12/5/2017, tại Hà Nội, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã có buổi tiếp ông Raper Reiser, Giám đốc phụ trách thị trường vốn khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng BNP Paribas. Tham dự có đại diện Vụ HTQT, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Văn phòng và Trung tâm Thông tin.

Tại buổi tiếp, ông Raper Reiser đã giới thiệu ngắn gọn về hoạt động của Ngân hàng BNP Paribas tại Việt Nam. BNP Paribas đã hiện diện tại Việt Nam 27 năm, với hai chi nhánh tại Hà Nội và TPHCM, hiện có nhiều khách hàng là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, đặc biệt có 4 khách hàng lớn đang hoạt động trong lĩnh vực viễn thông gồm VNPT, Mobifone, Viettel và FPT. Tại Việt Nam, gần đây, BNP Paribas tích cực tham gia vào các hoạt động của ngân hàng đầu tư thông qua vụ tư vấn bán siêu thị BigC và bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho hãng hàng không tư nhân Vietjet.

Liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Raper Reiser cho biết ông đã làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và bày tỏ mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của BNP Paribas về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Cách đây 30 năm, Pháp có nhiều doanh nghiệp nhà nước và đã tiến hành cổ phần hóa thành công. BNP Paribas đã có nhiều kinh nghiệm trong quá trình tư vấn cổ phần hóa cho hai doanh nghiệp viễn thông lớn là Orange (Pháp) và Công ty Viễn thông Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Ông Raper Reiser chia sẻ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một quá trình phức tạp, vừa phải tối đa hóa doanh thu vừa phải quan tâm đến quyền lợi của người lao động, đồng thời phải nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia sau cổ phần hóa. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa cần phải được thực hiện một cách minh bạch.
 
Giám đốc Raper Reiser tin rằng trong 10 năm tới cổ phần hóa sẽ diễn ra rất mạnh mẽ tại Việt Nam và trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Những vụ cổ phần hóa đầu tiên thành công sẽ góp phần khơi nguồn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và thúc đẩy quá trình cổ phần hóa diễn ra nhanh hơn.
 
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết Chính phủ Việt Nam mong muốn cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông lớn mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn. Tuy nhiên, mới chỉ thực hiện cổ phần hóa một số doanh nghiệp viễn thông nhỏ. Mobifone, một trong ba doanh nghiệp viễn thông lớn, đã được một số ngân hàng tư vấn và xác định giá trị tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa tiến hành cổ phần hóa được.
 
Thứ trưởng cũng mong muốn Ngân hàng BNP Paribas chia sẻ thông tin về các đặc trưng trong cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông so với các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác và những kinh nghiệm rút ra được sau IPO Vietjet. Thứ trưởng cho rằng ngành hàng không và ngành viễn thông có nhiều điểm tương đồng khi cổ phần hóa.
 
20170512-pg3.jpg
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chụp ảnh lưu niệm với các đại diện của Ngân hàng BNP Paribas
 
Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, ông Andrew Joseph White, Giám đốc đầu tư mảng viễn thông và truyền thông khu vực Đông Nam Á Ngân hàng BNP Paribas cho biết, ngành viễn thông có những đặc thù như: Là một ngành lâu đời và thế giới đã chứng kiến việc cổ phần hóa nhiều tập đoàn viễn thông lớn tại Anh, Pháp… Đây là một lĩnh vực tương đối nhạy cảm vì liên quan đến hạ tầng quốc gia. Đây cũng là ngành đã trải qua nhiều cuộc cách mạng quan trọng, nhiều vụ mua bán, sáp nhập. Do đó, đánh giá đúng vị trí của doanh nghiệp trên thị trường đóng vai trò rất quan trọng.
 
Việc xác định giá trị doanh nghiệp viễn thông từ góc nhìn của nhà đầu tư và góc nhìn của doanh nghiệp cũng là một yếu tố then chốt. Đối với Vietjet, quá trình xác định giá trị mất khoảng 2 năm và trong thời gian ấy cũng có những thay đổi về giá trị doanh nghiệp.
 
Ông Andrew Joseph White chia sẻ thêm, một câu hỏi không kém quan trọng cần đặt ra khi cổ phần hóa là bán cổ phần cho một nhà đầu tư chiến lược hay cho nhiều nhà đầu tư khác nhau và tỷ lệ bán là bao nhiêu. VNPT và Mobifone là những doanh nghiệp có giá trị lớn nên bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cũng là một lựa chọn tốt vì giúp tối ưu hóa doanh thu.
 
Về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, khi tiến hành cổ phần hóa VNPT, Mobifone, Chính phủ Việt Nam không coi tối ưu hóa doanh thu là mục tiêu quan trọng nhất và duy nhất. Mục tiêu cơ bản cần đạt được là sau cổ phần hóa, doanh nghiệp có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Việc xác định bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược hay cho nhiều nhà đầu tư khác nhau sẽ được xác định tùy theo từng trường hợp cụ thể.
 
Thứ trưởng cho rằng nếu Ngân hàng BNP Paribas muốn tìm hiểu sâu thêm về thị trường viễn thông Việt Nam, các quy định liên quan, có thể phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức một hội thảo nhỏ để hai bên cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và những vấn đề hai bên cùng quan tâm liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.
Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top