Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái Hoàng Minh Tiến báo cáo tại buổi làm việc
Trước đó, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham gia một chuỗi hoạt động tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái như: Chương trình hành trình về địa chỉ đỏ với chủ đề "Tự hào tuổi trẻ Cục An toàn thông tin" tại Khu Di tích lịch sử, văn hoá Quốc gia Căng và Đồn, Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái; đặt vòng hoa và dâng hương viếng các anh hùng liệt sỹ tại Khu Di tích lịch sử, văn hoá Quốc gia Căng và Đồn; tham gia chương trình "Mùa xuân là tết trồng cây” với ý nghĩa khắc sâu lời dạy của Bác: Mùa xuân là Tết trồng cây, và nhắc nhở về việc phát triển số gắn liền với phát triển xanh.
Trên cơ sở ghi nhận những kết quả đạt được và tiếp thu những kiến nghị từ phía địa phương. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã chỉ đạo và chia sẻ một số giải pháp thực hiện chuyển đổi số tại tỉnh Yên Bái trong thời gian tới.
Thứ nhất là với hạ tầng: Hạ tầng là chúng ta chuyển dịch lên Cloud. Đề nghị lãnh đạo Sở quan tâm chuyển dịch hạ tầng của tỉnh trong 5 năm tới lên Cloud, có thể kết hợp thuê Cloud chuyên nghiệp của doanh nghiệp đồng thời có 1 Cloud riêng cho tỉnh.
Thứ hai là chuyển đổi số trong việc đưa vào sử dụng các nền tảng: Rất cần các nền tảng sử dụng thống nhất trong toàn tỉnh. Ví dụ như hệ thống Email đã được sử dụng thống nhất trong toàn tỉnh; hệ thống QLVB, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Toàn bộ các phần mềm này hiện đều sử dụng ý tưởng từ 10 năm trước. Như vậy, CĐS là phải làm khác đi, có nghĩa là chúng ta cần sử dụng các nền tảng mới, dùng thống nhất trong toàn tỉnh và nền tảng này do Sở TT&TT chủ trì. Nếu chúng ta làm được việc đấy thì sẽ thay đổi rất nhiều hành vi, cách thức, khi tất cả cùng lên nền tảng thì sẽ không còn câu chuyện báo cáo nữa, vì dữ liệu là từ nền tảng. Nếu như Sở làm được như vậy thì chúng ta vừa giúp ích được cho tỉnh, chúng ta vừa củng cố được sự tồn tại vững chắc của Sở.
Thứ ba là về chính phủ số: Chính phủ số cái quan trọng nhất là DVC trực tuyến, chúng ta tối ưu DVC trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Người dân bao giờ cũng kỳ vọng vào sử dụng DVC trực tuyến tiện lợi như sử dụng dịch vụ ngân hàng. Đó là kỳ vọng chính đáng và rất thiết thực. Tại vì sao, vì ngân hàng đầu tư rất lớn, có nguồn lực lớn còn chúng ta đầu tư thấp, nguồn lực vận hành không chuyên nghiệp nhưng người dân kỳ vọng dịch vụ công trực tuyến như chất lượng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Đây cũng là hành trình rất dài, đề nghị Sở TT&TT Yên Bái cố gắng đóng vai người dùng cuối, dùng thử các DVC trực tuyến do tỉnh mình cung cấp, để tối ưu hoá nó.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng Sở TT&TT Yên Bái
Đồng thời, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là triển khai Trợ lý ảo. Trợ lý ảo là vấn đề mới, trước mắt nên triển khai trong hoạt động của Sở, Sở có thể đơn giản sử dụng nền tảng Zalo và tạo nên bộ tri thức chuyên ngành của Sở, sau đó có input vào Trợ lý ảo của Zalo thành 1 phiên bản cứ ai sử dụng Zalo đều có thể hỏi đáp được trên điện thoại của mình.
Triển khai nền tảng làm việc số, để sao cho khi chúng ta ngồi trên nền tảng làm việc số chúng ta được hỗ trợ rất nhiều, không ngồi trên nền tảng thì cơ bản là không làm việc được. Hiện tại, con người đang sử dụng công cụ rất là nhiều. Vậy làm sao để chúng ta có một nền tảng làm việc số. Trước mắt là triển khai trong Sở, sau đấy là triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Sau này không có nền tảng số ấy thì chúng ta không làm việc được, năng lực nó nằm ở tổ chức, chứ không nằm ở cá nhân.
Kinh tế số: Bản chất là làm cho doanh nghiệp kinh doanh khấm khá hơn. Yên Bái không có doanh nghiệp công nghệ, chúng ta phát triển công nghệ số bằng cách là làm sao cho các doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh Yên Bái mở rộng được thị trường, có được doanh thu và lợi nhuận lớn hơn nhờ công nghệ số. Năm 2023, chúng ta nên có Kế hoạch hành động cụ thể, thống kê ra từng loại hình doanh nghiệp và hỗ trợ các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh tăng doanh thu và lợi nhuận. Thế mạnh, sức mạnh của Việt Nam mình là nằm trong dân, mục tiêu là biến mỗi hộ gia đình trở thành 1 doanh nghiệp, mỗi người dân Yên Bái là một doanh nhân.
Xã hội số: Xã hội số là bộ 8 “(1) mỗi 1 hộ gia đình 1 đường cáp quang băng rộng; (2) mỗi người dân là một điện thoại thông minh; (3) trên điện thoại thông minh đó có danh tính điện tử; (4) có chữ ký số cá nhân; (5) có tài khoản thanh toán trực tuyến; (6) có tài khoản DVC trực tuyến; (7) có phần mềm bảo đảm ATTT mạng ở mức cơ bản và (8) có kỹ năng số”. Phát triển xã hội số của Yên Bái là tất cả các người dân của Yên Bái có được bộ 8 đấy. Càng nhanh càng tốt, càng rộng càng tốt, nếu bắt đầu làm nên làm từ kỹ năng số vì có kỹ năng thì tự người dân sẽ làm những cái còn lại và phát triển kỹ năng số thì cần rất ít nguồn lực, thậm chí không cần đến dự án đầu tư. Chúng ta phải tìm tòi cách làm mới mà huy động nguồn lực của xã hội để phát triển kỹ năng số cho người dân. Hai kỹ năng số quan trọng nhất là kỹ năng số để sử dụng thiết bị an toàn và kỹ năng số để học hành nâng cao trình độ, nên đẩy mạnh học tiếng Anh và thúc đẩy bà con dùng công nghệ số để kinh doanh. Nên phổ cấp kỹ năng số cho người dân theo cách làm mới, sáng tạo và phổ cập kỹ năng số cho người dân để bà con buổi sáng học, buổi chiều áp dụng được ngay và ngày hôm sau thấy lợi ích thì bà con mới theo.
Về cách thức phối hợp về nhân sự: Có người của Yên Bái về Bộ và có người của Bộ về Yên Bái, sẽ linh hoạt trong cách thức phối hợp. Từ tuần sau, đề nghị cán bộ của Cục ATTT cứ 1 tuần làm việc trọn vẹn 1 ngày ở Yên Bái, bao giờ làm xong ATTT ở Yên Bái thì chuyển việc khác. Đối với CĐS, KTS và XHS cũng áp dụng như trên. Đó là cách làm để cán bộ Bộ gắn với cơ sở ./.