“Dạ chị ơi! Chị đỡ bệnh nhân xem bệnh nhân ngồi dậy được không? Dạ! Bệnh nhân ngồi được rồi thì chị nhắm bệnh nhân có đi taxi được không ạ? Dạ! Vậy để em điều xe tới đưa bệnh nhân đi cấp cứu ạ!”. Nam nhân viên tổng đài gác máy và ghi lại thông tin để chuyển cho đội điều xe.
Đây là một trong rất nhiều cuộc gọi được tiếp nhận tại tổng đài dã chiến cấp cứu 115 TP.HCM. Tất cả 40 máy tính và hơn số đó tổng đài viên đều hoạt động hết công suất vào sáng 5/8.
Bên trong tổng đài dã chiến cấp cứu 115 của TP.HCM.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, mỗi ngày tổng đài dã chiến nhận được khoảng 4.000 cuộc gọi, có đợt cao điểm trước đây lên đến 6.000 cuộc.
“Tới thời điểm này, 99% các cuộc gọi đến đều được tiếp nhận thành công”, bác sĩ Duy Long thông tin.
Tổng đài dã chiến cấp cứu 115 của TP.HCM mới đi vào hoạt động được gần một tuần, đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), là kết quả của sự phối hợp giữa Sở TT&TT, Trung tâm cấp cứu 115, VNPT TP.HCM và Công viên Phần mềm Quang Trung.
Tổng đài dã chiến cấp cứu được thành lập đã giảm tải rất nhiều cho các cuộc gọi nguy cấp trong bối cảnh dịch Covid-19 tại TP.HCM lan rộng, nhiều ca F0 gặp nguy hiểm.
Sáng 5/8, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng có buổi thăm và làm việc tại tổng đài dã chiến cấp cứu này. Chứng kiến hiệu quả của mô hình, Thứ trưởng khẳng định mô hình có thể được nhân rộng.
“Đặc biệt tại một số địa phương có số ca nhiễm đang tăng, có thể áp dụng để nâng cao năng lực tiếp nhận cuộc gọi”, ông Dũng nói.
Thứ trưởng đánh giá cao mô hình của TP.HCM và cho biết trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo Bộ TT&TT để kịp thời tháo gỡ.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long (áo ca-rô) đang trình bày với Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng (áo trắng) về hoạt động của Tổng đài cấp cứu 115.
Thiết lập "vùng xanh" cho tổng đài cấp cứu
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, hiện có tổng cộng 250 nhân viên trực tổng đài cấp cứu dã chiến 115. Lực lượng này gồm 4 thành phần: nhân viên tổng đài 115 làm nhiệm vụ điều phối, nhân viên tổng đài của công ty xe khách Phương Trang, sinh viên y khoa và tình nguyện viên của Thành đoàn.
Tất cả các tổng đài viên phải đảm bảo "3 tại chỗ”: ăn ngủ, làm việc, sinh hoạt tại chỗ. Cứ sau 3 ngày tất cả ê kíp phải xét nghiệm Covid-19, trường hợp dương tính sẽ được chuyển nơi khác nghỉ ngơi, điều trị nhằm bảo đảm thiết lập “vùng xanh” cho khu vực này.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng trao quà cho tổng đài dã chiến cấp cứu 115.
Để tạo được "vùng xanh", nhân viên các công ty làm việc nội khu phải tuân thủ nhiều biện pháp an toàn phòng dịch, đồng thời được xét nghiệm 3 ngày/lần. Không chỉ thiết lập vùng an toàn cho tổng đài dã chiến, toàn khu QTSC hiện cũng đang nằm trong "vùng xanh". Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, trong khu có khoảng 50 doanh nghiệp làm việc "3 tại chỗ", với nhân sự trên dưới 1.000 người.
Riêng QTSC đã bố trí 24 nhân sự chuyên trách như: viễn thông, điện, nước, quản lý tòa nhà… để đảm bảo các hoạt động quản lý nội khu được thông suốt, giúp các doanh nghiệp yên tâm sản xuất cũng như hỗ trợ doanh nghiệp khi có sự cố xảy ra.
Đặc biệt, QTSC bố trí đủ nhân sự trực tại Trung tâm Viễn thông cam kết đảm bảo tất cả các dịch vụ cung cấp cho hệ thống hạ tầng viễn thông - trung tâm dữ liệu, hệ thống đảm bảo an ninh an toàn thông tin và hệ thống hạ tầng chính phủ điện tử TP.HCM.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao khả năng duy trì hoạt động của các đơn vị trong QTSC giữa giai đoạn dịch bệnh, đồng thời khuyến khích QTSC tiếp tục thiết lập được "vùng xanh" cho doanh nghiệp và bản thân QTSC trong bối cảnh hiện nay.