Thứ trưởng Bộ TT&TT: Truyền thông chính sách, cơ hội để báo chí tăng nguồn thu

Thứ tư, 20/03/2024 11:23

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, truyền thông chính sách là cơ hội để báo chí tăng nguồn thu. Nhưng báo chí cần nâng mình lên để nhận được sự quan tâm nhiều hơn, trong tình hình có nhiều phương thức truyền thông cạnh tranh khác.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cùng các đại biểu thảo luận về giải pháp tăng nguồn thu của cơ quan báo chí.Ảnh: Nguyễn Huế

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cùng các đại biểu thảo luận về giải pháp tăng nguồn thu của cơ quan báo chí.Ảnh: Nguyễn Huế

Sáng 15/3, Diễn đàn Báo chí toàn quốc (trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024) tiếp tục phiên thảo luận thứ 5 với chủ đề: “Đa dạng nguồn thu của các cơ quan báo chí”.

Phát biểu gợi mở phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện nay, các cơ quan báo chí đang bị ảnh hưởng nguồn thu do tác động của cơ chế thị trường mới.

“Chưa bao giờ nguồn thu từ thị trường lại có tác động mạnh mẽ đến các cơ quan báo chí như bây giờ”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, xu hướng quảng cáo đang chuyển dịch sang nhiều không gian khác, như không gian số. Các hình thức như bán hàng online, thương mại điện tử… đã phá vỡ cấu trúc thương mại truyền thống.

Các doanh nghiệp, công ty quảng cáo đã và đang tìm đến những phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng có hiệu quả hơn là quảng cáo trên báo chí như thời gian trước.

“Cho dù là nguồn thu thương mại hay từ bất cứ hình thức nào thì các cơ quan báo chí cũng cần tiếp cận với nhiều con đường khác nhau để tăng nguồn thu”, Thứ trưởng lưu ý.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, ở thời đại bùng nổ công nghệ, các nền tảng trên không gian mạng đã và đang thu hút quảng cáo rất mạnh. Trong khi đó, cơ quan báo chí thì chưa bắt kịp được các phương thức này.

Tuy nhiên, cũng có tín hiệu vui từ một số cơ quan báo chí đã và đang tham gia vào chuỗi giá trị bán hàng online, thương mại điện tử…Đây là hình thức thức kết hợp với doanh nghiệp mang sản phẩm đến với người đọc báo, xem đài.

Nhưng để cách làm này bền vững, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, các cơ quan báo chí cần  đội ngũ làm báo có kiến thức về thương mại điện tử, về quảng cáo trên nền tảng xã hội.

Trước những tác động từ không gian mạng, Thứ trưởng cho rằng, vẫn còn có cơ hội tăng nguồn thu đến từ vai trò quản lý của Nhà nước.

Cụ thể, Nhà nước bên cạnh quản lý xã hội, tham gia định hướng… thì bản thân cũng có thể là khách hàng lớn của báo chí. Đó là đặt hàng cơ quan báo chí truyền thông chính sách.

Theo ông Lâm, cách đây một năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 07 về đổi mới công tác truyền thông chính sách. Từ đó, tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức của các cơ quan nhà nước. Nghĩa là không thể khoán tất cả cho báo chí, truyền thông chính sách là việc của cơ quan Nhà nước, báo chí là một trong những phương thức để thực hiện việc này.

“Nhận thức và xác định được trách nhiệm như trên đã làm thay đổi tương đối căn bản mối quan hệ giữa bên sử dụng dịch vụ (có thể là Nhà nước…) và cơ quan báo chí. Việc đặt hàng truyền thông chính sách cho thấy tín hiệu khả quan đối với các cơ quan báo chí trong tình hình hiện nay”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhận định.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, báo chí muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn cần phải nâng mình lên, để đón được nguồn thu từ phần đặt hàng của Nhà nước.

Một cơ hội khác, theo Thứ trưởng là hiện nay các thể chế đã đầy đủ để xử lý nghiêm việc quảng cáo vi phạm trên không gian mạng. Điều đó góp phần điều chỉnh luồng quảng cáo trên mạng chảy về các kênh truyền thông chính thống, trong đó có báo chí.

Muốn thu phí phải hiểu hành vi của đọc giả

Tham luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) nhìn nhận, sự bùng nổ của công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thị trường báo chí.

Trong đó, sự thay đổi thể hiện rõ trên 3 khía cạnh là hành vi tiêu thụ tin tức, cấu trúc thị trường (nguồn cung, kênh phân phối, bán hàng) và nguồn thu.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông trình bày tại phiên thảo luận.Ảnh: Nguyễn Huế

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông trình bày tại phiên thảo luận.Ảnh: Nguyễn Huế

Ông Đồng gợi ý, các cơ quan báo chí cần chú trọng tới nguồn thu mới từ độc giả nhiều hơn. Muốn vậy phải hiểu được hành vi xem tin tức của độc giả. Các tòa soạn phải đa dạng hóa phương thức tiếp cận cho độc giả, nhất là trên nền tảng mạng xã hội.

Về truyền thông chính sách, theo ông Đồng, dù là cơ hội nhưng các cơ quan báo chí vẫn gặp khó khăn về thủ tục. Do đó, ông đề xuất Nhà nước phải đơn giản hóa các thủ tục, nhất là việc giải ngân đối với nguồn thu từ truyền thông chính sách.

Về dài hạn, ông Đồng nhấn mạnh, cần có cơ chế thúc đẩy xã hội hóa để tăng nguồn đầu tư, nhất là đầu tư năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí. Cùng với đó, Bộ TT&TT cần tạo các diễn đàn kết nối các nền tảng mạng xã hội với cơ quan báo chí để có sự hợp tác nguồn thu.


Hồ Văn (vietnamnet.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top