Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn trả lời phỏng vấn phóng viên Công ty Truyền thông và Giáo dục Thụy điển

Thứ hai, 17/01/2011 16:31

Chiều ngày 17/01/2011, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) 18 Nguyễn Du, Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn đã trả lời phỏng vấn phóng viên của Công ty Truyền thông và Giáo dục Thụy Điển.

img
Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn trả lời phỏng vấn ngày 17/1/2011

Trang Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông xin trích đăng một số nội dung của cuộc phỏng vấn:

 Phóng viên (PV): Xin ngài Thứ trưởng cho biết, Ngài nói rằng Ngài đã từng làm phóng viên, vậy theo Ngài những nhiệm vụ quan trong nhất của một phóng viên là làm gì?
 
Thứ trưởng (TT) Đỗ Quý Doãn: Ở một Quốc gia như Việt Nam thì nhiệm vụ của phóng viên được quy định trong Luật Báo chí. Trong đó có những quyền và nhiệm vụ phóng viên phải thực hiện, Luật báo chí đã quy định rất rõ ràng: Phóng viên phải thông tin một cách trung thực, toàn diện mọi mặt đời sống trong nước và quốc tế theo lợi ích của nhân dân và lợi ích của dân tộc. Phóng viên phải có trách nhiệm trong việc giới thiệu, cổ vũ những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương sáng hay nói cách khác là những thành tựu của nhân dân của đất nước, đồng thời phóng viên cũng góp phần trong đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội để góp phần làm lành mạnh xã hội. Phóng viên còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin đã cung cấp trên các phương tiện đại chúng báo chí, phát thanh, truyền hình… Đồng thời, phóng viên còn có trách nhiệm cải chính, xin lỗi khi thông tin sai sự thật xúc phạm đến danh dự của tổ chức và nhân phẩm uy tín của cá nhân. Bên cạnh đó trong Luật Báo chí của Việt Nam cũng quy định quyền của phóng viên: Phóng viên được phép hoạt động Báo chí đúng pháp luật trên toàn bộ lãnh thổ Nước CHXHCN Việt Nam; Được tham dự các hoạt động, được đưa tin về các hoạt động và được yêu cầu các tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin theo quy định mà Luật Báo chí đã quy định trong đó. Trong Luật của Việt Nam cũng khẳng định: Không ai được phép đe dọa, uy hiếp đến tính mạng của nhà báo, không ai được phép cản trở nhà báo hoạt động đúng pháp luật và thu giữ, hủy hoại các phương tiện làm việc của Nhà báo, không ai được phép lấy danh nghĩa của Nhà báo để vòi vĩnh, xách nhiễu làm những việc trái pháp luật.
 
PV: Nếu tôi là một Nhà báo Việt Nam và tôi muốn viết về những điều mà Chính phủ làm chưa tốt thì tôi có thể thể hiện ở đâu?
 
TT Đỗ Quý Doãn: Được thể hiện trên báo. Vừa qua, báo chí Việt Nam đều tham gia vào những vấn đề điều hành của Chính phủ rất công khai. Tất cả những chính sách, chủ trương của Chính phủ đưa ra đều được báo chí góp phần trong vấn đề đưa ra những ý kiến phản biện và những ý khiến đó đều được phản ánh trung thực đến công chúng.
 
PV: Một vấn đề mà giới trẻ rất quan tâm đó là trang Facebook mới đây ở Việt Nam không truy cập được lý do là tại sao?
 
TT Đỗ Quý Doãn: Trong những năm vừa qua, ở Việt Nam mạng xã hội rất phát triển không chỉ Facebook mà còn Google, Yahoo… Trong đó, một hai năm gần đây số lượng người sử dụng Facebook tăng một cách đột biến. Ý kiến của ông chủ trang mạng xã hội Facebook cũng cho rằng số người sử dụng Facebook trên thế giới quá lớn đến nỗi không thể kiểm soát nổi và nằm ngoài tầm kiểm soát của Facebook. Ở Việt Nam cho đến thời điểm này tôi chưa được nghe đại diện của Facebook phản ánh về tình trạng Facebook bị chặn, nhưng ở Việt Nam cũng có người nói là không truy cập được, cũng có người nói là vẫn có thể truy cập được. Điều này có thể do số lượng người truy cập Facebook quá lớn trong lúc hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam đang ở mức phát triển không theo kịp cho nên có những lúc bị tắc nghẽn mạng chứ không phải do bị chặn.
 
PV: Về vấn đề Blog ở Việt Nam, giới trẻ cũng rất quan tâm đến việc xây dựng Blog và cũng có thông tin là những người viết Blog ở Việt Nam có thể bị kết án tù?
 
TT Đỗ Quỹ Doãn: Mạng Internet Việt Nam vẫn còn rất mới, nhu cầu về Blog không chỉ của riêng giới trẻ mà cũng là của rất nhiều người. Ở Việt Nam, theo tổng hợp của các nhà cung cấp dịch vụ Internet thì trong những năm gần đây có từ 2 đến 2,5 triệu bloger và hoàn toàn rất được khuyến khích bởi vì thực ra đây là nơi người ta bày tỏ, chia sẻ kinh nghiệm, tâm tư, tình cảm đây là điều mà các cơ quan quản lý nhà nước rất ủng hộ. Tuy nhiên có những điều mà trong Blog cần phải quân tâm. Ví dụ ở tất cả các cơ quan, hiệp hội báo chí của Thụy Điển và một số nước trên thế giới đưa ra một số quy ước cho các Nhà báo có những thông tin không được đưa lên Báo cũng như đưa lên Blog. Khoảng đầu năm nay, chúng tôi sẽ mời một số Nhà báo Thụy điển sang để trao đổi xung quanh vấn đề này. Về thông tin có những người viết Blog có thể bị kết án tù thì đây là do có một số công dân Việt Nam vi phạm pháp luật Việt Nam buộc phải xử lý theo pháp luật Việt Nam mà người ta cũng viết Blog chứ không phải là vì viết Blog mà bị xử lý. Nhiều người không hiểu nên gây ra nhầm lẫn.
 
PV: Những người vi phạm Luật đó thì vi phạm cái gì?
 
TT Đỗ Quý Doãn: Ví dụ tôi là một người viết Blog rất nổi tiếng nhưng tôi vi phạm một số lĩnh vực nào đó mà bị cơ quan chức năng bắt và xử lý thì những việc mà tôi làm (vi phạm pháp luật) đôi khi không nổi tiếng bằng việc tôi là một Bloger nổi tiếng, cho nên người khác dễ nhầm lẫn giữa Bloger và công dân (ở đây được hiểu là vi phạm pháp luật thì phải xử lý chứ không phải viết Blog mà bị xử lý). Một số các bản tin ở nước ngoài hay đưa tin như vậy. Hoặc giả dụ tôi chống phá Nhà nước Việt Nam, hoặc tôi tham ô tham nhũng nhưng tôi là một Bloger nổi tiếng thì người ta không nói tôi là một công dân tham ô, tham nhũng mà người ta sẽ nói tôi là Bloger bị xử lý theo pháp luật làm cho dễ gây ra hiểu lầm là Bloger bị bắt vì viết Blog chứ không phải là bị bắt về tội tham ô, tham nhũng…
 
PV: Nếu người viết Blog về Chính phủ thì có Luật gì liên quan đến vấn đề đó?
 
TT Đỗ Quý Doãn: Có quy định chung cho tất cả một số thông tin mà người đó đưa lên và các nước khác không chỉ Việt Nam cũng như vậy đó là: Không đưa lên Blog cá nhân những thông tin sai sự thật, xúc phạm đến danh dự của tổ chức và ảnh hưởng đến uy tín, nhân phẩm của cá nhân khác; Không đưa những thông tin nhằm kích động bạo lực, kích động chiến tranh, kích động dâm ô đồi trụy, không đưa những thông tin để chia rẽ khối đại đoàn kết của các nước trên thế giới hay là đại đoàn kết của một đất nước đa dân tộc như Việt Nam… Đây là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng cấm.  
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn.        
Việt Thắng
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top