Tại văn phòng Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh, phần mềm thu phí tự động cảng biển được kích hoạt để bắt đầu vận hành. Hệ thống thu phí được vận hành thử trước 1 tháng nên đã hoạt động trơn tru. Ngay trong ngày đầu thực hiện, trên màn hình của trung tâm này đã hiển thị số liệu 2.357 doanh nghiệp đăng ký với 4.135 tờ khai.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hệ thống thu phí hoàn toàn tự động nên không có chốt chặn kiểm soát thu phí ở các cổng cảng và doanh nghiệp nộp tiền thì sẽ được công khai, doanh nghiệp chưa nộp thì tích hợp thông tin gửi cho doanh nghiệp”. Hiện nay, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng website thuphihatang.tphcm.gov.vn. Việc chuyển tiền nộp phí được thực hiện thông qua mã quét QR, ECOM và thanh toán qua tài khoản, số tổng đài hỗ trợ là 19001286.
Trước đó, vào ngày 19-10-2021, ngay sau thời điểm đại dịch Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh vừa lắng xuống, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 18 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1, Nghị quyết số 11, ngày 25-6-2021 của HĐND thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, quy định mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là thu phí cảng biển). Ngay sau đó, các sở, ngành liên quan đã tuyên truyền cho các doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động của nghị quyết để lắng nghe, trao đổi, tạo sự đồng thuận.
Có những ý kiến trái ngược đã được báo chí đăng tải ngay sau đó. Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến: Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa bị ảnh hưởng. Nhiều cảng biển lớn tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc bị tắc nghẽn, chi phí vận tải tăng cao toàn cầu, ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu... Nên đề nghị miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cảng biển.
9 ngày thu 89 tỷ đồng
Việc thu phí cảng biển ở thành phố Hồ Chí Minh đã được tổ chức họp báo vào ngày 25-3, do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ: Đối tượng nộp phí là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển ở thành phố Hồ Chí Minh. Phạm vi áp dụng thu phí là các cảng biển trên địa bàn thành phố.
Mức phí thấp nhất 15.000 đồng/tấn, cao nhất 4,4 triệu đồng/container loại 40 feet. Các cá nhân, doanh nghiệp có thể thực hiện các quy trình khai báo và đóng phí cảng biển trên Cổng thông tin điện tử của Hải quan thành phố Hồ Chí Minh và Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố. Danh mục hàng hóa được miễn thu phí, bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Đến 24 giờ, ngày 9-4-2022, số tiền thu phí từ các doanh nghiệp là 89 tỷ đồng. Tổng cộng có hơn 35.250 doanh nghiệp thực hiện 59.000 tờ khai để nộp phí. Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh thông tin về việc có những doanh nghiệp đã làm tờ khai nhưng chưa kịp nộp tiền thì xe vẫn ra vào cảng bình thường. Hải quan và Cảng vụ sẽ đối soát, gửi thông báo cho doanh nghiệp và việc xử lý theo hướng đó sẽ giữ cho nhịp độ giao thương diễn ra bình thường.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có 4 cảng chính là khu bến cảng Nhà Bè trên sông Nhà Bè, khu bến cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai, khu bến cảng trên sông Sài Gòn và khu bến cảng Hiệp Phước trên sông Soài Rạp. Cát Lái là cảng lớn nhất, nằm trên diện tích 160ha, lượng hàng hóa qua cảng chiếm thị phần trên 90% tổng số hàng hóa qua các cảng biển ở thành phố Hồ Chí Minh và chiếm tới 40% công suất sản lượng hàng container qua cảng biển cả nước.
Con đường Nguyễn Thị Định dẫn vào cảng Cát Lái luôn trong tình trạng ngợp xe container, mỗi ngày có từ 16.000-18.000 xe container ra vào cảng. Vấn đề kinh phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đã đi đến quyết định của thành phố Hồ Chí Minh về việc thu phí cảng biển.
Đẩy mạnh khơi thông đường thủy
Lập luận để làm cơ sở tiến hành thu phí cảng biển, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh ước tính mỗi năm sẽ thu phí được khoảng 3.000 tỷ đồng từ 26 cảng biển trên địa bàn. Số tiền thu được sẽ đầu tư bổ sung cho 14 dự án giao thông, nạo vét. Đó là mở rộng đường Nguyễn Thị Định (lộ giới quy định là 60m, nhưng mới làm 35m); nâng cấp nút giao thông Mỹ Thủy; mở rộng đường Võ Chí Công; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; khép kín đường vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa.
Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh sẽ đầu tư xây dựng mới đường D7 (đoạn từ đường 990 đến đường Võ Chí Công); xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu; xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 4 (theo hình thức PPP); mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm) theo đúng quy hoạch...
Trước tình hình đường bộ quá tải, thành phố Hồ Chí Minh đang tính tới việc đẩy mạnh khơi thông đường thủy để giảm tải cho đường bộ. Việc nạo vét sẽ tiến hành tại các đoạn sông Soài Rạp, các tuyến đường thủy nội địa, xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa để có thể tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa bằng đường thủy.
Ngày 4-4-2022, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính về việc chính quyền thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thu phí sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp. Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh sau đó đã đưa ra các lập luận về việc thu phí nhằm mục đích tái đầu tư hệ thống đường bộ và đường thủy của thành phố, đáp ứng nhu cầu của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.