Thu hút đầu tư công nghệ thông tin: Cần nguồn nhân lực chất lượng cao và hạ tầng tiên tiến

Thứ tư, 24/02/2021 15:36

Với nhiều chính sách ưu đãi về phát triển công nghệ thông tin (CNTT), Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư viễn thông-CNTT nước ngoài. Tuy nhiên, để hoạt động đầu tư thêm khởi sắc, Việt Nam cần tạo ra lợi thế cạnh tranh mới, như: Thể chế phải theo kịp công nghệ; xây dựng hành lang pháp lý cho thử nghiệm mô hình mới; đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự thay đổi nhanh của công nghệ; tăng cường đầu tư hạ tầng tiên tiến...

Phù hợp để “chọn mặt gửi vàng”

Đại diện một doanh nghiệp mới tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam, Giám đốc HCL Việt Nam (Tập đoàn HCL-Ấn Độ) Ravi Vajpeyi nhận định: “Một trong những nhân tố thu hút chúng tôi tới Việt Nam đó là nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong khu vực; sự tăng trưởng của ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) rất tốt; nguồn nhân lực đa dạng và có tay nghề. Chính phủ Việt Nam, Bộ TT&TT có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; cạnh tranh trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam đang diễn ra khá gay gắt... Tuy nhiên, sự tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nước sẽ tạo lợi thế cho doanh nghiệp nước ngoài vì có thể tìm được đối tác phù hợp hơn cho hoạt động đầu tư”.

 

20210224-pg5.jpg
 
Công nhân lắp ráp thiết bị điện tử tại Nhà máy Samsung Bắc Ninh. Ảnh: VIỆT ANH.
 
Trong khi đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia Thiều Phương Nam đánh giá: “Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới, bởi Chính phủ Việt Nam đang liên tục cải thiện các điều kiện đầu tư. Qualcomm hiện mở rộng R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) với mong muốn cùng Việt Nam thực hiện chiến lược "Make in Vietnam". Chúng tôi tự hào cùng doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sản phẩm 5G khi có những thuận lợi như môi trường đầu tư, thuế, thương mại. Việt Nam cũng có nhiều hiệp định thương mại với các khu vực, nước lớn trên thế giới. Chúng tôi đang hào hứng đầu tư vào Việt Nam".
 
Để đưa Việt Nam trở thành quốc gia số và “địa chỉ đỏ” thu hút các nhà đầu tư, nhiều định hướng, chiến lược rõ ràng đã được đưa ra, như: Chỉ thị 01 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngày 14-1-2020; Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;... Nhận định về một số chủ trương của Việt Nam, ông Thiều Phương Nam cho biết, các chủ trương trên có vai trò quan trọng, xác định rõ ràng rằng, Việt Nam cần tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thiết kế, sản xuất và đổi mới sáng tạo.

Với thị trường xấp xỉ 100 triệu dân và đang triển khai mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Phó vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Tuyên chia sẻ, Việt Nam mong muốn phát triển các công nghệ mới, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), 5G,... cũng như phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp. Các doanh nghiệp FDI có thể tham gia quá trình này thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ, xây dựng hoặc mở rộng nhà máy, xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Từ đó, tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cùng phát triển.

Sẵn sàng đón nhận mô hình, công nghệ mới

Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1993 và chứng kiến sự thay đổi, lớn mạnh của ngành CNTT, ông Dennis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam-Myanmar-Campuchia và Lào cho rằng, thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, các lợi thế trước đây như lao động chi phí rẻ sẽ mất dần mà thay bằng sự đổi mới sáng tạo, công nghệ mới. Do vậy, ông Dennis Brunetti khuyến nghị, để tạo lợi thế cạnh tranh, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho hạ tầng CNTT, áp dụng công nghệ tiên tiến như: 5G, internet vạn vật,...

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Tập đoàn Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia Thiều Phương Nam cũng lưu ý về tình trạng khó tuyển dụng lực lượng kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam. Ông chỉ ra thực trạng, Qualcomm mất hai năm để tuyển đủ số lượng kỹ sư và các công ty công nghệ đang mở rộng hoạt động đều không tuyển kịp nguồn nhân lực. Do vậy, tăng cường nguồn kỹ sư chất lượng cao đáp ứng nhiều lĩnh vực mới, như: Xử lý hình ảnh camera, học máy, trí tuệ nhân tạo là việc làm rất cần thiết.

Trước thực tế không ít nhà đầu tư muốn tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam nhưng chưa có nguồn thông tin, Giám đốc điều hành Công ty NashTech Việt Nam Nguyễn Hùng Cường đề xuất, tăng cường các kênh thông tin liên lạc, chia sẻ thông tin về doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài là việc làm quan trọng. Từ kinh nghiệm của NashTech Việt Nam, ông Cường cho rằng, để các nhà đầu tư hiểu và tin môi trường kinh doanh Việt Nam là điều kiện sống còn để nước ta có thể thu hút nhiều hơn nguồn lực từ nước ngoài.

Minh chứng cho vai trò quan trọng của cơ quan nhà nước trong thu hút đầu tư, Phó giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư, UBND TP Đà Nẵng Đỗ Thị Quỳnh Trâm chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương: "Năm 2014, Đà Nẵng chỉ có 400 doanh nghiệp CNTT, điện tử viễn thông trên địa bàn thì hiện nay có 1.900 doanh nghiệp. Đây là kết quả của những bước đi chủ động trong làn sóng đầu tư công nghệ số khi địa phương đã cố gắng liên tục cập nhật văn bản từ Trung ương đến địa phương; kịp thời điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư...”.

Liên quan tới vấn đề này, Phụ trách điều hành Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) Đỗ Công Anh nhấn mạnh: Việt Nam coi thể chế và công nghệ là động lực cho chuyển đổi số, thể chế phải đi trước nếu có thể. Việt Nam sẽ áp dụng phương thức quản lý mới với những mối quan hệ mới phát sinh, với các mô hình kinh doanh mới, dần hình thành văn hóa cho thử nghiệm cái mới. Nhiệm vụ của chúng tôi và mỗi ngành nghề là phải xây dựng ra hành lang pháp lý để thử nghiệm mô hình mới trong lĩnh vực của mình, đồng thời rà soát lại các văn bản để sẵn sàng đón nhận mô hình mới, công nghệ mới nhằm tận dụng hiệu quả của công nghệ tới xã hội.

 

 

banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top