Thông tin về các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc

Thứ tư, 05/01/2011 15:33

Chỉ còn ít ngày nữa là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ diễn ra. Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tích cực hoạt động, chuẩn bị mọi mặt để đảm bảo cho thành công của Đại hội. Website Bộ Thông tin và Truyền thông xin giới thiệu một số thông tin chung về Đại hội lần thứ XI và các kỳ đại hội Đảng đã diễn ra.

img
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/1/2011, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, trong đó họp phiên trù bị vào ngày 11/1 và tiến hành Đại hội chính thức từ ngày 12/1 đến ngày 19/1.

Tham dự Đại hội có 1400 đại biểu, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên sinh hoạt ở gần 54.000 tổ chức cơ sở Đảng. Ngoài đại biểu chính thức, Trung ương Đảng mời các vị nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, đại diện các tôn giáo, thế hệ trẻ và các uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá X đến dự Đại hội.

Chủ đề chính thức của Đại hội XI là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”

Đại hội lần thứ XI sẽ thảo luận và thông qua: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2010 - 2020, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá X trình Đại hội XI của Đảng (đánh giá kết quả thực hiện phương hướng, nhiệm vụ 5 năm qua, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới), Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng, bầu Ban chấp hành Trung ương khoá XI (nhiệm kỳ 2011 - 2015) - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội.

Các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XI là kết quả tổng kết, nghiên cứu công phu, khoa học, nghiêm túc, tập hợp ý kiến quý báu của nhiều nhà lãnh đạo, nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu, phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận, sử dụng kết quả nghiên cứu, tổng hợp ý kiến thực tiễn và ý kiến đóng góp của rất nhiều cơ quan trung ương, các viện/cơ quan nghiên cứu lớn, các tỉnh uỷ, thành uỷ và ý kiến của đông đảo đảng viên tại các tổ chức cơ sở Đảng, các tầng lớp nhân sĩ, trí thức, doanh nghiệp và nhân dân ở trong và ngoài nước.

Tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, BCH đã quyết định phương án nhân sự để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đại hội sẽ tiến hành bầu những đại biểu ưu tú trong Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có uy tín trong Đảng, trong xã hội, có tư duy đổi mới, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý vấn đề mới và vấn đề phức tạp nảy sinh, có khả năng đoàn kết, quy tụ, có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Giới thiệu các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc đã diễn ra

Đại hội lần thứ I

Củng cố hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước đến nước ngoài.

Đại hội lần thứ I (Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng cộng sản Đông Dương) diễn ra từ 27 đến 31-3-1935, tại Nhà số 2 Quan Công Lộ, Ma Cao, Trung Quốc. Số lượng đảng viên trong cả nước lúc đó là 600, số lượng tham dự Đại hội có 13 đại biểu. Đại hội I đã bầu Tổng Bí thư là đồng chí Lê Hồng Phong. Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại Đại hội gồm 13 đồng chí. Trong điều kiện chế độ thống trị của Pháp – Nhật ở Đông Dương, cơ quan đầu não của Đảng luôn luôn bị địch đánh phá, hầu hết uỷ viên trong BCH bị địch bắt. BCH trung ương đã phải kiện toàn lại, qua các kỳ họp của BCHTW, các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh đã được bầu làm Tổng bí thư.

Đảng Cộng sản Đông Dương là Đảng của giai cấp vô sản Đông Dương. Đông Dương là một thuộc địa, công nghệ kém cỏi, thợ thuyền ít, nông dân và tiểu tư sản chiếm phần đông, nhiệm vụ của Đảng không những phải thu phục đa số thợ thuyền, mà còn cần phải thu phục quảng đại quần chúng nông dân và tiểu tư sản thành thị. Những người cộng sản Đông Dương chính là con cháu của các dân tộc ở Đông Dương, thành tâm đấu tranh vì quyền lợi của quảng đại quần chúng, của Tổ quốc đồng bào sống trên bán đảo Đông Dương. Trong điều kiện đó Đảng Cộng sản Đông Dương phải là "đảng của dân chúng bị áp bức, đội tiên phong cho cuộc dân tộc giải phóng".

Đại hội đã thông qua một loạt nghị quyết quan trọng: Nghị quyết Chính trị; các nghị quyết về công tác quần chúng với từng đối tượng cụ thể: công nhân, nông dân, binh lính, phụ nữ, dân tộc thiểu số, thanh niên, đội tự vệ; Nghị quyết về công tác phản đế liên minh, xây dựng đội tự về, công tác cứu tế đỏ; Nghị quyết về các chương trình hành động; Nghị quyết về công tác đã qua của Ban Chỉ huy kiêm Ban Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương; Nghị quyết về hệ thống tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương; thông qua Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương, Điều lệ của Tổng Công hội đỏ Đông Dương, Điều lệ Nông hội làng, Điều lệ của Đông Dương phản đế liên minh, Điều lệ Hội Cứu tế đỏ Đông Dương, Điều lệ của Thanh niên Cộng sản Đoàn Đông Dương.

Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh gìn giữ và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ cơ sở đến trung ương. Đây là một điều kiện cơ bản và cần thiết để Đảng bước vào một thời kỳ đấu tranh mới với một đội ngũ đã được tôi luyện.

Từ Đại hội lần thứ I đến Đại hội lần thứ II của Đảng (3-1935 - 2-1951) đã có nhiều chuyển biến to lớn diễn ra trên thế giới cũng như ở Đông Dương. Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng chịu trách nhiệm trước toàn Đảng vạch ra chủ trương, chính sách, lãnh đạo và tổ chức phong trào quần chúng đưa cách mạng Đông Dương tiến lên những bước phát triển mới.

Đại hội lần thứ II

Đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Diễn ra từ ngày 11 đến 19-2-1951, tại  Xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Số lượng đảng viên trong cả nước có 766.349, số lượng tham dự Đại hội: 158 đại biểu. Chủ tịch Đảng được bầu tại Đại hội là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng bí thư được bầu tại Đại hội là Đồng chí Trường Chinh. Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại đại hội gồm 29 uỷ viên và Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội gồm 7 uỷ viên. 

Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương là người tổ chức và lãnh đạo cách mạng của cả ba nước Việt Nam, Lào, Cam Pu Chia. Đến nay, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi nước có những thay đổi khác nhau. Mỗi nước cần và có thể thành lập một chính đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Đại hội quyết định tổ chức Đảng Lao Động Việt Nam và đưa Đảng ra hoạt động công khai.

Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 19 uỷ viên chính thức và 10 uỷ viên dự khuyết. Bộ Chính trị của Trung ương Đảng gồm có 7 uỷ viên chính thức và một uỷ viên dự khuyết. Chủ tịch Đảng là Hồ Chí Minh. Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là Trường Chinh. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương được bầu hợp thức trong một Đại hội đại biểu toàn quốc.

Đại hội đã nghiên cứu và thảo luận Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Trường Chinh, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng của Lê Văn Lương và Báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ nhân dân, Quân đội nhân dân, kinh tế tài chính và về văn nghệ. Ngoài ra còn một số tham luận khác.

Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương của Đảng được bầu hợp thức trong một Đại hội có đầy đủ đại biểu toàn quốc. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ đại hội, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội, bổ sung thêm các chủ trương chính sách mới cho thích hợp với những biến đổi mới của tình hình, để biến nghị quyết của Đại hội thành hiện thực đưa kháng chiến đến thắng lợi.

Đại hội lần thứ III

Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam.

Thời gian diễn ra đại hội từ ngày 5 đến 12-9-1960, tại Thủ đô Hà Nội. Số lượng đảng viên trong cả nước: 500.000, số lượng tham dự Đại hội: 525 đại biểu. Chủ tịch Đảng được bầu tại Đại hội: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bí thư Thứ nhất được bầu tại Đại hội là đồng chí Lê Duẩn. Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại Đại hội: 47 uỷ viên. Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội: 11 uỷ viên.

Đại hội đã xác định đường lối chung của Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là "đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống phấn đấu anh dũng, lao động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em do Liên Xô đứng đầu, để đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hoà bình ở Đông - Nam Á và thế giới".

Đại hội lần thứ IV

Thống nhất đất nước - cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội

Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất, thực hiện chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những yêu cầu mới của cách mạng đang đặt ra đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đã họp trù bị từ ngày 29-11 đến ngày 10-12-1976. Từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976, Đại hội họp công khai tại Thủ đô Hà Nội. 1008 đại biểu thay mặt hơn 1.550.000 đảng viên của 38 đảng bộ tỉnh, thành và cơ quan trực thuộc Trung ương trong cả nước đã về dự Đại hội. Trong số đại biểu đó có 214 đại biểu vào Đảng trước Cách mạng Tháng Tám 1945, 200 đại biểu đã từng bị đế quốc giam cầm, 39 đại biểu là anh hùng các lực lượng vũ trang và anh hùng lao động, 142 đại biểu là nữ, 98 đại biểu thuộc dân tộc thiểu số... Đến dự Đại hội có 29 đoàn đại biểu của các đảng cộng sản, đảng công nhân, của phong trào giải phóng dân tộc và các tổ chức quốc tế.

Tổng bí thư được bầu tại Đại hội là Đồng chí Lê Duẩn. Ban Chấp hành Trung ương được bầu tại Đại hội: 101 uỷ viên, Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội: 14 uỷ viên. Nhiệm vụ chính: Là Đại hội thống nhất đất nước - cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Điều lệ mới của Đảng gồm 11 chương và 59 điều. Điều lệ đã rút gọn 10 nhiệm vụ của đảng viên thành 5 nhiệm vụ, đặt lại chức Tổng Bí thư thay chức Bí thư thứ nhất, quy định nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương là năm năm...

Đại hội lần thứ IV của Đảng là đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc; là đại hội tổng kết những bài học lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là đại hội thống nhất Tổ quốc đưa cả nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã không xác định mục tiêu của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ và phạm sai lầm trong việc xác định bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, về cải tạo xã hội chủ nghĩa, về quan điểm quản lý kinh tế, v.v.. Vì thế, trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Đại hội, chúng ta gặp những khó khăn rất lớn và tình hình kinh tế - xã hội xấu đi.

Đại hội lần thứ V

Xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn lãnh thổ Việt Nam

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1982, tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1033 đại biểu, thay mặt cho hơn 1.727.000 đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở. Dự Đại hội có 14 đại biểu đã từng tham gia các tổ chức tiền thân của Đảng; hơn 40% đại biểu đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế; 102 đại biểu hoạt động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; 118 đại biểu đại diện cho 27 tộc người ở tuyến đầu biên giới phía bắc và phía tây nam; 79 đại biểu là Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, chiến sĩ thi đua; 1/3 đại biểu có trình độ đại học và trên đại học, 26 tiến sĩ và phó tiến sĩ, 14 giáo sư, phó giáo sư và nhiều đại biểu hoạt động trong các lĩnh vực văn học- nghệ thuật. Đến dự đại hội có 47 đoàn đại biểu quốc tế.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm có 116 uỷ viên chính thức. Bộ Chính trị gồm có 13 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là đồng chí Lê Duẩn. Ngày 14-7-1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt. Đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn từ trần ngày 10-7-1986.

Từ Đại hội lần thứ IV đến Đại hội lần thứ V của Đảng là những năm đầu cả nước bước vào kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong khoảng thời gian đó, trên đất nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng được ghi đậm nét vào lịch sử của Đảng và của dân tộc. Nhân dân ta đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn chồng chất, giành được nhiều thắng lợi trên lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Song, chúng ta cũng đang gặp những khó khăn mới. Công tác lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội của Đảng và Nhà nước ta cũng phạm nhiều khuyết điểm. Tình hình khủng hoảng về kinh tế - xã hội ở nước ta đã xuất hiện. Thực trạng của đất nước đang đòi hỏi Đảng phải kiểm điểm lại đường lối, chủ trương, đánh giá khách quan thành tựu và khuyết điểm, vạch rõ những nhiệm vụ, mục tiêu, chủ trương và biện pháp lớn để khai thác tiềm năng của đất nước, khắc phục những khó khăn và khuyết điểm, giải quyết đúng những vấn đề quan trọng và cấp bách về xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, về sản xuất và đời sống, v.v. nhằm tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.

Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Đại hội lần thứ IV, vạch ra chiến lược kinh tế - xã hội, những kế hoạch phát triển, những chủ trương, chính sách và biện pháp thích hợp trong từng chặng đường.

Đại hội lần thứ V của Đảng là kết quả của một quá trình tập hợp ý kiến của toàn Đảng để đề ra nhiệm vụ, phương hướng... nhằm giải quyết những vấn đề gay gắt, nóng bỏng đang đặt ra của cách mạng Việt Nam. Đại hội đánh dấu một sự chuyển biến mới về sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đấu tranh "Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân".

Đại hội lần thứ VI

Thực hiện đổi mới đất nước (khởi xướng đưa đất nước tiến hành công cuộc đổi mới)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp từ ngày 15 đến 18-12-1986, tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu, thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong cả nước, trong số đó có 925 đại biểu của 40 tỉnh, thành, đặc khu; 172 đại biểu các đảng bộ trực thuộc Trung ương; 153 đại biểu nữ; 115 đại biểu các dân tộc thiểu số;50 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động; 72 đại biểu là công nhân trực tiếp sản xuất;...Đến dự Đại hội có 32 đoàn đại biểu quốc tế.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 124 uỷ viên chính thức. Bộ Chính trị gồm 13 uỷ viên chính thức và một uỷ viên dự khuyết.Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao nhiệm vụ Cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội VI là Đại hội kế thừa và quyết tâm đổi mới, đoàn kết tiến lên của Đảng ta. Đại hội "khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học".

Chấp hành Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI, trên lĩnh vực kinh tế, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triển khai cùng một lúc bốn mặt hoạt động có liên hệ khăng khít với nhau: xây dựng và thực hiện ba chương trình kinh tế lớn; tiếp tục công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; đổi mới tổ chức cán bộ.

Đại hội lần thứ VII

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đưa đất nước đi theo con đường đổi mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, họp từ ngày 24 đến 27-6-1991, tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu, thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên trong cả nước. Có hơn 30 đoàn đại biểu quốc tế tham dự Đại hội.

Đại hội VII là Đại hội của trí tuệ- đổi mới, dân chủ- kỷ cương- đoàn kết; là Đại hội lần đầu tiên thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội một lần nữa khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 146 uỷ viên. Bộ Chính trị gồm có 13 uỷ viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khoá VII) bầu bổ sung 4 uỷ viên Bộ Chính trị.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam được tiến hành trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp. Đất nước ta phải đương đầu với các hoạt động phá hoại của các lực lượng thù địch ở cả ngoài nước và ở trong nước. Nhờ những thành tựu bước đầu của gần năm năm đổi mới, chúng ta đã đứng vững và tiếp tục tiến lên, mặc dù còn nhiều khó khăn. Đất nước vẫn chưa chấm dứt được sự khủng hoảng về kinh tế - xã hội.
Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng; (Điều lệ Đảng sửa đổi).

Cương lĩnh đã vạch rõ quan niệm của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta sẽ xây dựng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ để thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện dân giàu nước mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa, điều quan trọng nhất là phải cải biến căn bản tình trạng kinh tế, xã hội kém phát triển, chiến thắng những lực lượng cản trở việc thực hiện mục tiêu đó, trước hết là các lực lượng thù địch chống độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Cương lĩnh cũng nêu lên những định hướng lớn về chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng.

"Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Đại hội đã thông qua Điều lệ của Đảng (sửa đổi). Điều lệ gồm 12 chương 47 điều.

Đại hội lần thứ VIII

Thực hiện đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quá độ lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã họp nội bộ từ ngày 22 đến 26-6-1996 và họp công khai từ ngày 28-6 đến 1-7-1996 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.198 đại biểu thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên cùng các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí đại diện lão thành cách mạng, đại diện các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các nhân sĩ trí thức tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng toàn dân. Dự Đại hội còn có gần 40 đoàn đại biểu quốc tế đại diện các đảng anh em và bầu bạn trên thế giới.

Đại hội VIII đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước ta sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII gồm có 170 uỷ viên chính thức. Bộ Chính trị gồm 19 uỷ viên. Tổng Bí thư là đồng chí Đỗ Mười. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công được giao nhiệm vụ Cố vấn cho Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996 - 2000; Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi) và Nghị quyết Đại hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đã đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước ta sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân ta, vì tình hữu nghị và sự hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới. Đại hội có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc và tương lai của đất nước vào lúc chúng ta sắp bước vào thế kỷ XXI.

Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu bảo đảm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Để thực hiện nhiệm vụ hàng đầu đó, từ sau Đại hội VIII, Bộ Chính trị đã chuẩn bị và triệu tập Hội nghị lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội lần thứ IX 

Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại hội lần thứ IX diễn ra từ 19-4 đến 22-4-2001, tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.168 đại biểu, thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên trong cả nước. Có 34 đoàn đại biểu quốc tế tham dự đại hội. Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam là Đại hội "Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Đổi mới”, là Đại hội có ý nghĩa lịch sử trọng đại, thể hiện ý chí kiên cường và niềm hy vọng lớn lao của cả dân tộc Việt Nam vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội đánh dấu chặng đường 15 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 1991-2000, là Đại hội đầu tiên của Đảng trong thế kỷ XXI.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 150 uỷ viên. Bộ Chính trị gồm có 15 uỷ viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX diễn ra trong bối cảnh loài người đã kết thúc thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI, dân tộc ta đứng trước những thời cơ lớn đan xen với nhiều thách thức lớn. Đại hội xác định mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội đã thông qua Báo cáo Chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 và Phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 của Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII trình Đại hội. Đại hội đã thông qua toàn văn Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi.

Đại hội lần thứ X

Đại hội Trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 18 đến ngày 25-4-2006 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng, trong đó có 144 đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, 1.023 đại biểu được bầu từ đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương và 9 đại biểu của Đảng bộ ngoài nước do Trung ương chỉ định theo quy định của Điều lệ Đảng.

Đại hội X của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 – 2005), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới; từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm tới (2006-2010); phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng; bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá X.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X gồm 160 Uỷ viên chính thức và 21 Uỷ viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí, Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 8 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X. Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Uỷ viên Bộ Chính trị được bầu làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng khoá X.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã thông qua Báo cáo Chính trị, Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Báo cáo nhấn mạnh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, nêu cao ý chí và quyết tâm tiếp tục đổi mới, hình thành đồng bộ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy cao nhất các nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng phát triển, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, đưa đất nước ta vững bước tiến lên trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top