Thông tin cơ sở góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Cao Bằng

Thứ hai, 12/09/2022 06:39

Thông tin cơ sở là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước ta, có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; phổ biến thông tin thiết thực đến đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị và đông đảo người dân; là phương tiện chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cơ sở. Có thể nói rằng, hệ thống thông tin cơ sở đã đóng góp vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về luật pháp nói chung và phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng.

z3726735406139-5ee163bcc02e40c80e655bbcd2c6d81a.jpg

Ông Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng

Phóng viên Cổng TTĐT của Bộ TT&TT đã phỏng vấn ông Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng để hiểu rõ hơn về vấn đề thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

*PV:  Xin ông cho biết những nét khái quát về hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thời gian qua?

*Ông Hoàng Ngọc Sơn: Thực hiện công tác thông tin cơ sở, những năm qua Sở TT&TT đã chủ động, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, từng bước đưa thông tin cơ sở trở thành phương tiện chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cơ sở, cung cấp thông tin, kiến thức tới người dân.

Bám sát nội dung Chỉ thị 07-CT/TW ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới”; Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở; văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Bộ TT&TT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở TT&TT thường xuyên phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Văn hoá - Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Truyền thông các huyện, thành phố chủ động bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Trung ương, của tỉnh và của địa phương, tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh và các hoạt động của địa phương về tình hình phát triển kinh tế- xã hội.

Nhìn chung, hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng những năm qua đã được quan tâm triển khai thực hiện, góp phần tích cực vào công tác thông tin tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tình hình kinh tế, chính trị văn hoá, xã hội của đất nước, của tỉnh; tạo sự đồng thuận trong nhân dân, định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực.

Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã có sự quan tâm trong việc huy động, bố trí nguồn lực cho hệ thống truyền thanh cấp xã nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động, nhờ đó, Đài Truyền thanh xã đã từng bước khẳng định được vai trò trong công tác thông tin tuyên truyền tại địa phương. Các thiết bị nghe xem được hỗ trợ lắp đặt cho các hộ nghèo cơ bản hoạt động tốt, sử dụng đúng mục đích giúp cho các hộ nghèo có thêm cơ hội tiếp cận thông tin, kiến thức.

*PV: Cao Bằng triển khai hệ thống truyền thanh thông minh (truyền thanh ứng dụng CNTT-TT) đã và đang phát huy giá trị như thế nào, theo ông?

*Ông Hoàng Ngọc Sơn: Triển khai hệ thống truyền thanh thông minh (truyền thanh ứng dụng CNTT-TT) cũng đã được quan tâm, từ các nguồn vốn xã hội hóa, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng thí điểm 05 trạm truyền thanh thông minh tại các huyện Bảo Lạc (02 trạm), Quảng Hòa (02 trạm) và huyện Hà Quảng (01). Với nhiều tính năng vượt trội và khắc phục được những hạn chế của hệ thống truyền thanh cũ như: bắt buộc phải có diện tích đặt bộ thu phát, thiết bị tăng âm, phụ trợ, dễ bị nhiễu sóng trong mùa mưa bão, nhân lực bảo dưỡng lớn… hệ thống truyền thanh thông minh sau khi được lắp đặt và vận hành tốt đang dần khẳng định vị trí trong nỗ lực chuyển đổi số, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác truyền thanh cơ sở.

*PV: Việc triển khai ứng dụng truyền thanh thông minh trên địa bàn tỉnh có gặp những khó khăn, trở ngại gì, thưa ông?

*Ông Hoàng Ngọc Sơn: Hệ thống đài truyền thanh cấp xã hiện nay toàn tỉnh có 71/161 xã có đài truyền thanh cấp xã với 670 cụm loa truyền thanh ở các thôn, bản, tổ dân phố. Diện tích phủ sóng của các đài truyền thanh cấp xã tính trên toàn tỉnh đạt 42,8%, (nằm trong top 10 tỉnh có tỷ lệ xã có đài truyền thanh thấp nhất toàn quốc).

Hiện tại, đa số hệ thống máy phát của đài truyền thanh cơ sở được bố trí chung phòng làm việc với các ban, ngành khác tại UBND xã, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động và bảo quản trang thiết bị kỹ thuật. Ngoài chức năng tiếp sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh 02 buổi/ngày, tiếp phát sóng chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) còn thực hiện các chương trình truyền thanh cơ sở do Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp, các chương trình do Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện sản xuất về tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện, xã đến với nhân dân.

Phần lớn các đài truyền thanh cơ sở chưa tự sản xuất được các chương trình phát thanh của địa phương mà chủ yếu thực hiện hoạt động truyền thanh các thông báo, văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và tiếp âm, phát lại chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, huyện.

Việc bố trí kinh phí hoạt động của đài truyền thanh cấp xã, bao gồm: kinh phí duy trì hoạt động; kinh phí bảo trì; sửa chữa thiết bị; kinh phí trả thù lao cho người vận hành chưa được quan tâm thực hiện. Cán bộ phụ trách đài truyền thanh cấp xã hoạt động kiêm nhiệm, không có chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật quản lý, vận hành, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Tuy nhiên, do là tỉnh nghèo, nguồn kinh phí đầu tư cho việc cải tạo, nâng cấp hệ thông truyền thanh cơ sở (lắp đặt mới, thay thế hệ thống truyền thanh cũ bằng truyền thanh ứng dụng CNTT-TT) còn rất hạn chế. Công tác phối hợp giữa cơ quan quả lý nhà nước về lĩnh vực này với các địa phương chưa cụ thể, rõ ràng; việc quản lý còn chồng chéo, không thống nhất giữa các địa phương, do đó hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, bất cập. Công tác tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhất là tiếp cận hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ làm công tác truyền thanh, truyền hình chưa được thường xuyên, hiệu quả…

*PV:  Để phát huy vai trò của hệ thống truyền thanh thông minh tại cơ sở, Cao Bằng đã có những giải pháp như thế nào, theo ông?

*Ông Hoàng Ngọc Sơn: Thời gian tới, Sở TT&TT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí, từng bước thực hiện chuyển đổi theo lộ trình chuyển đối số của tỉnh. Cùng với đó, Sở tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề xuất các địa phương, đơn vị bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở, trong đó khuyến nghị lựa chọn giải pháp truyền thanh thông minh. Tiếp tục nhân rộng mô hình truyền thanh thông minh trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, nhằm đáp ứng hiệu quả yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nâng cao hiệu quả tuyên truyền tại cơ sở, đồng thời khẳng định quyết tâm của Cao Bằng trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh./.

 

Thu Hương
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top