Thượng tá Đoàn Anh Tiến (ngoài cùng bên trái) trao đổi công việc với cán bộ đơn vị. Ảnh: Hà Anh
Cận Tết Nguyên đán năm 2020, đài radar 555 ở núi Gành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định thông báo: “Có một nhóm tàu lạ đi dọc theo lãnh hải của tỉnh Quảng Ngãi, khi vào vùng biển Bình Định thì rẽ quặt về hòn Ông Căn, Ông Cơ”. Tại sao nhóm tàu lạ này tiếp tục đi về hòn Ông Căn, Ông Cơ giống như vụ việc đã xảy ra vào Tết Nguyên đán năm 2018? Tấm hải đồ được mở ra, Thượng tá Đoàn Anh Tiến nhìn lướt qua và nhận định: “Khu vực này có cua, nhất là vào mùa Đông, còn khu vực ở gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì mùa này có cá cam loại nhỏ và ngư dân nước ngoài thì đang săn 2 loại này”.
Nhận xét chính xác của Thượng tá Đoàn Anh Tiến cũng trùng với ý kiến của một số chỉ huy Hải đoàn 48 BĐBP. Vì sao những người lính biển nắm vững không chỉ tọa độ, kinh độ, đặc điểm từng vùng biển, mà còn nắm được cả luồng cá vào từng thời điểm trên biển? Anh em trong đơn vị còn nói vui, đó là nhờ những ngày lênh đênh trên biển, thiếu rau xanh, thiếu thức ăn, ai cũng phải lần lượt ra boong tàu để buông câu, bắt cá cải thiện bữa ăn, nên chuyện luồng cá nổi, cá chìm trên biển thì hầu như ai cũng đều biết rõ.
Mỗi khi có vụ việc xảy ra trên biển, Thượng tá Đoàn Anh Tiến và anh em có thâm niên trong đơn vị lại ngồi nhớ đến những năm tháng sống lênh đênh trên biển. Hải đoàn 48 BĐBP được thành lập vào năm 1997, đóng quân tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngay sau khi được thành lập thì quân số chia ra một bộ phận tham gia xây dựng đơn vị, còn lại xuống tàu ra khơi bảo vệ chủ quyền. Ngày ấy, Trung úy Đoàn Anh Tiến, Thuyền phó tàu BP 48-01-04 là người có nhiều kinh nghiệm, nên ngay từ chuyến biển đầu tiên, anh đã nói đùa với anh em về những “bữa cơm trường kỳ” trên biển.
Khi ngoài 30 tuổi, Đoàn Anh Tiến trở thành một trong những chàng trai độc thân có thâm niên trên tàu. Những chuyến đi dài ngày trên biển liên tục nên anh ít có điều kiện về Hà Tĩnh thăm quê. Cha mẹ của anh đã mất lúc anh còn là một cậu bé. Hồi ức về cha mẹ thời gian khổ luôn in đậm trong tâm trí của anh. Nếu những người còn cha mẹ thì chăc chắn sẽ luôn được nhắc nhở, hỏi thăm khi nào lập gia đình để có cháu nội. Mãi đến năm 35 tuổi, anh mới tìm được người bạn đời, quê ở tỉnh Quảng Bình. Vậy là, trong những chuyến tuần tra xuôi ngược trên biển, anh có tấm ảnh để mở ra ngắm nhìn. Người vợ của anh cũng thấu hiểu, lấy chồng lính thì biền biệt, thỉnh thoảng mới ghé về thăm nhà.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 48 BĐBP đã dành cả tuổi thanh xuân cho biển cả. Ảnh: Hà Anh
Ngồi kể chuyện cuộc đời binh nghiệp, cuộc đời thanh xuân trải dài trên biển cả, anh Tiến cho biết, ở đơn vị, từ Hải đoàn trưởng đến Chính ủy đều là những người gắn bó từ ngày đầu thành lập cho đến bây giờ. Tính ra thì ai cũng có những năm tháng dài sống trên biển, có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền, biết đến những bữa cơm giữa biển. Nếu khi có tình huống trên biển thì gần như anh em đều nắm rất rõ đặc điểm của vùng biển đó theo từng mùa. Nhờ đó mà công tác nhận định tình hình luôn có tính chính xác cao, triển khai kế hoạch và phân công tàu tuần tra xuất kích đều hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu ngồi cả ngày cũng không thể nghe hết việc phát hiện và xử lý tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền Việt Nam mà anh Tiến kể. Có tàu thấy bị rượt đuổi thì thả sợi dây dài vài chục mét phía sau để tàu Biên phòng không thể áp sát. Có lần, tàu chở xăng lậu từ nước ngoài tiến vào vùng lãnh hải Việt Nam, dù giữa mùa Đông nhưng tàu Biên phòng vẫn vượt sóng tiến ra truy đuổi. Anh em trên tàu đều ăn mì tôm sống vì con tàu chao đảo, bát đĩa và các vật dụng liên tục bị văng đi mọi phía theo nhịp lắc của thân tàu.
Câu chuyện về cuộc đời lính biển anh Tiến kể bị gián đoạn, bởi radar thông báo có một số tàu lạ tiếp tục đi vào gần vùng lãnh hải của Việt Nam. Trước khi chia tay, anh Tiến cho biết, hồi còn là Thuyền phó, cứ nghe lệnh như vậy là đi và có khi mấy tháng mới quay về đơn vị, lúc đó nhìn ai cũng đen sì. Còn bây giờ, tàu có tốc độ cao hơn, được trang bị đầy đủ hơn nên anh em cũng đỡ vất vả.