Thống nhất quản lý hoạt động in ấn trong cùng một khung pháp lý

Thứ ba, 14/05/2013 08:13

Việc sửa đổi Luật Xuất bản về tổ chức và hoạt động in sẽ khắc phục, giải quyết những hạn chế, bất cập đang tồn tại, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động in phát triển lành mạnh trong thời gian tới.

img

Ảnh minh họa

Tư duy, nhận thức về quản lý in ấn đã mở
 
Trước khi Luật Xuất bản năm 2004 ra đời, tư duy, nhận thức về hoạt động in trong công tác quản lý còn rất khắt khe, vì cho rằng, hoạt động in là hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị là chủ yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân, làm thay đổi tư duy, nhận thức con người, có thể vận động, tập hợp lực lượng phục vụ cho một mục đích nào đó, như cách mạng Việt Nam đã làm trong những năm kháng chiến giành chính quyền nên không cho phép các thành phần kinh tế tham gia. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu in của xã hội, hoạt động in vẫn phải làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, nhưng do còn quan ngại về sự ảnh hưởng tới an ninh, chính trị, tư tưởng nên được coi là ngành nghề kinh doanh đặc biệt, độc quyền nhà nước.
 
Trước xu thế hội nhập và đổi mới, Luật Xuất bản năm 2004 ra đời làm thay đổi căn bản hoạt động in, từ những tư duy phụ thuộc nhiều về chính trị, tư tưởng, văn hóa chuyển sang một nhận thức mới mẻ và thông thoáng hơn, cân bằng hài hòa giữa hai nhiệm vụ quan trọng là vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa sản xuất kinh doanh để tái đầu tư, phù hợp với quy luật phát triển của từng thời kỳ. Nhà nước thay đổi phương thức quản lý, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động in, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội để phát triển ngành in, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy có nhiều cơ chế cởi mở thông thoáng hơn, nhưng hoạt động in vẫn được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi nó vẫn là công cụ, phương tiện để sản xuất những sản phẩm có nội dung chính trị, văn hóa, tư tưởng, an ninh, quốc phòng và các giấy tờ quản lý nhà nước...
 
Do được cởi mở hơn về hành lang pháp lý nên số lượng cơ sở in được thành lập mới tăng rất nhanh. Trước năm 2004, cả nước có hơn 160 cơ sở in (tất cả đều của nhà nước), đến nay có khoảng 1.500 cơ sở in (thuộc mọi thành phần kinh tế), giải quyết việc làm cho hơn 4 vạn lao động trong ngành. Về công nghệ in được chuyển đổi từ in typo lạc hậu sang in offset hiện đại hơn, in ra các sản phẩm có chất lượng hoàn hảo hơn, giá trị gia tăng nhiều hơn, đáp ứng thời gian nhanh gấp nhiều lần. Một số cơ sở in lớn đã đầu tư được máy in hiện đại có giá trị hàng trăm tỷ đồng/chiếc, sánh ngang với các nước trong khu vực và một số nước phát triển trên thế giới. Sản lượng trang in tiêu chuẩn hàng năm của toàn ngành tăng nhanh, trên 10%/năm. Ngành in đáp ứng hầu hết nhu cầu in trong nước và bước đầu tiếp cận thị trường thế giới, nhận in gia công cho nước ngoài với chất lượng kỹ thuật in đa dạng, phức tạp ở trình độ cao. Đặc biệt, đã đầu tư được 8 điểm in báo Đảng trải dài khắp cả nước với những công nghệ, thiết bị, kỹ thuật hiện đại, được phân bố phù hợp theo vùng, lãnh thổ, có khả năng đáp ứng nhanh nên các địa phương trong cả nước, kể cả một số vùng sâu, vùng xa đã có được báo Đảng trong ngày.
 
Sửa đổi Luật  để thị trường tiếp tục phát triển lành mạnh

Do các quy định về thành lập cơ sở in thông thoáng, dễ dàng nên số lượng cơ sở in tăng nhanh, dẫn đến cung vượt cầu, thị trường cạnh tranh gay gắt, nhà nước chưa có chế định quản lý hữu hiệu, nạn in lậu, in giả giấy tờ quản lý nhà nước gia tăng. Thành lập nhiều cơ sở in ảo, không có thật làm ảnh hưởng đến việc thống kê nội lực toàn ngành dẫn đến việc xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển kém hiệu quả. Nhiều cơ sở in nhập khẩu thiết bị quá cũ, không đảm bảo chất lượng sản phẩm in. Một số cơ sở in bị buông lỏng quản lý do thiếu cơ chế kiểm soát , các cơ sở in này thuộc diện không phải cấp phép, không phải đăng ký hoạt động in với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành in khi thành lập nên cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in không biết, kể cả địa chỉ nơi sản xuất cũng không nắm được dẫn đến khó kiểm soát, vi phạm pháp luật gia tăng. Chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị in nên việc nhập khẩu thiết bị cũ là không thể kiểm soát, vì vậy không tránh khỏi thiết bị quá cũ (rác của nước ngoài) được nhập khẩu vào Việt Nam làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và nền công nghiệp nước nhà. Đó là những bất cập trong phát triển và quản lý hoạt động in hiện nay, cần sớm được giải quyết để làm sao cho ngành in vừa phát triển được và nhà nước cũng quản lý được.
 
Do đó, việc sửa đổi Luật Xuất bản về tổ chức và hoạt động in là vấn đề hết sức cấp bách, nhằm khắc phục, giải quyết những hạn chế, bất cập đang tồn tại, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động in phát triển lành mạnh trong thời gian tới.
 
Theo quan điểm của ông Phạm Trung Thông – Trưởng phòng Quản lý In - Cục Xuất bản, khi làm Luật phải hướng đến hai mục tiêu. Một là, tạo điều kiện cho lĩnh vực mà Luật điều chỉnh phát triển. Hai là, nhà nước phải quản lý được. Nếu mà bộ luật nào đó chỉ đảm bảo được một trong hai mục đích trên sẽ không đạt yêu cầu, Luật khó khả thi, khó đi vào cuộc sống. Luật Xuất bản 2012 lần này không nằm ngoài hai mục đích đó, và thống nhất cùng một khung pháp lý đối với việc điều chỉnh hoạt động in, tạo thuận lợi cho ngành Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm phát triển lành mạnh.
Phạm Thùy Trang
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top