Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa điểm lại 3 nhóm lừa đảo chính với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam năm qua, qua đó giúp người dùng nhận biết để phòng tránh.
Cục ATTT nhận định vấn đề đào tạo, nâng cao nhận thức rộng rãi cho người dân là rất quan trọng, bên cạnh việc phải triển khai, sử dụng công nghệ cao để áp dụng, ngăn chặn, xử lý tội phạm công nghệ cao.
Trả lời VietNamNet, ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, cho rằng công tác đào tạo nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho người dân tại Việt Nam đang dần phát huy hiệu quả khi số lượng các mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến giảm dần qua các năm.
Điều này phản ánh thông qua báo cáo của hãng, cho thấy những mối đe doạ tại Việt Nam đang có xu hướng giảm.
Ông Yeo cho rằng Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách và kế hoạch giúp tăng cường năng lực an ninh mạng, bao gồm các chiến dịch nâng cao nhận thức và rà soát, bóc gỡ mã độc đã được triển khai đồng bộ trên 63 tỉnh thành.
Về phía doanh nghiệp và người dân cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu, biết cách phòng tránh và có bước chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp khi gặp sự cố an ninh mạng.
Mặc dù vậy, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc công ty bảo mật Nam Trường Sơn, cho hay người dùng Việt Nam ít quan tâm đến thông tin bảo mật. Số đông chỉ quan tâm đến các sự kiện thảm hoạ an ninh mạng, chứ không học kiến thức thiết yếu đảm bảo an toàn cho thiết bị cá nhân.
“Rất nhiều người nghĩ rằng khi bị tấn công thì thiết bị cá nhân sẽ báo hiệu để chủ nhân biết được”, ông Vũ nhận định. Tuy nhiên ông cho rằng hacker hiện nay có những cách tấn công không để lại dấu tích. Do đó, việc nhầm tưởng về sự an toàn của Internet và thiết bị cá nhân đang tạo ra nguy cơ bị tấn công mạng rất cao trong cộng đồng.
Cần nỗ lực đồng bộ để nâng cao nhận thức bảo mật cho người dân
Dù đã có nhiều cải thiện song ông Yeo Siang Tiong cho rằng việc phổ biến kiến thức về an ninh mạng mới chỉ giới hạn ở thành phố lớn, chưa thực sự hoàn thiện và triển khai rộng rãi đến mọi người dân, đặc biệt là người cao tuổi và người dân nông thôn.
Điều này là do sự phát triển công nghệ diễn ra không cân xứng ở khu vực nông thôn và thành thị. Khoảng cách tuổi tác và thế hệ cũng là những rào cản trong việc nâng cao nhận thức của người dân về an ninh mạng.
Về khoảng cách thế hệ, dễ nhận thấy sự khác biệt trong hành vi sử dụng và khả năng tiếp cận thông tin trên môi trường số giữa giới trẻ và người lớn tuổi.
Những người cao tuổi thường gặp khó khăn trong việc chọn lọc thông tin đáng tin cậy hoặc thực hiện giao dịch tài chính trên Internet, đây là những lỗ hổng tạo điều kiện cho nhiều cuộc tấn công mạng nhắm vào người dùng.
Ngoài ra, hầu hết người cao tuổi không chắc chắn về tầm quan trọng của bảo mật và biết cách tự bảo vệ mình khỏi sự nguy hiểm trên Internet.
Tương tự, ở các vùng nông thôn nơi công nghệ phát triển không nhanh như ở thành phố lớn, người dân có ít lựa chọn hơn trong việc tìm giải pháp hoặc nhận hỗ trợ kỹ thuật khi xảy ra sự cố.