Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và
đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao giải cho các tác giả đoạt giải A
Theo đánh giá của ban tổ chức, trong những tác phẩm đoạt giải cao còn thiếu vắng các tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm văn học trong nước. Điều này đã nói đúng thực trạng về một nền văn học trầm lắng, nhàn nhạt, thiếu hơi thở đời sống. Đó là một điều rất đáng suy nghĩ. Vì sao vậy?
Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Nguyên nhân do cơ chế đầu tư khuyến khích của Nhà nước, sự định hướng chăm lo của Hội Nhà văn Việt Nam nếu có chỉ là phần trăm rất nhỏ. Vì một đối sánh đơn giản cũng thấy rằng, ngày trước, các bậc tiền nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... có được ai khuyến khích đâu, có hội nhà văn nhà thơ nào bảo trợ đâu mà sao vẫn có tác phẩm đỉnh cao để đời. Nhìn ra thế giới thì các nhà văn được giải Nobel văn chương hầu hết cũng đều do nỗ lực cá nhân sáng tạo. Đổ lỗi tại văn hóa đọc xuống cấp cũng phần nào có lý nhưng lỗi này phần lớn ở nhà văn vì họ chưa có tác phẩm hay, hấp dẫn bạn đọc. Thế nên nguyên nhân cơ bản vẫn nằm ở chủ quan nhà văn.
Văn học nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo tinh thần đặc thù. Đó là lĩnh vực của cái tôi, của cá tính để tạo ra tiếng nói riêng, giọng điệu riêng. Đó là cá tính sáng tạo ra cái mới, tiến bộ, phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ, đặc sắc, độc đáo. Năng khiếu sáng tạo đòi hỏi người nghệ sĩ sự nhạy cảm, nhất là nhạy cảm trước những biến động xã hội. Họ như cái cần ăng-ten thu phát những tín hiệu đổi thay của cuộc sống. Về bản chất hình tượng, văn học nghệ thuật sáng tạo ra một “cuộc sống thứ hai” thoát thai từ đời sống, nhưng chỉ là mô hình chứ không phải bản thân đời sống. Hiểu thế càng thấy vai trò mang tính quyết định của nhà văn để có tác phẩm hay.
Vì quy luật của nghệ thuật là quy luật của tình cảm nên thời nào cái tâm của người sáng tạo cũng được nhấn mạnh. Tức phải có ý thức chính trị cao mới tạo tiền đề cho tình yêu, cho tâm huyết-vốn được coi là những điều sống còn trong sáng tạo. Cây nghệ thuật có tươi mát, có sum sê hoa trái là nhờ được trồng trên mảnh đất tình yêu. Thiếu tình yêu nghệ thuật nhất định khô héo. Tình yêu không tự nhiên có mà do sự giáo dục, do rèn luyện bản lĩnh của một ý thức chính trị nhất định. Đây như một nguyên lý nghệ thuật.
Cái đẹp nằm trong cuộc sống, là bản thân cuộc sống. Văn nghệ là một hình thái ý thức nên càng phải cắm sâu vào mảnh đất hiện thực để hút lấy chất dinh dưỡng cuộc đời. Chỉ có từ đời sống, bắt nguồn từ đời sống mới có thể nảy nở những tài năng. Không có cách nào khác, muốn rèn luyện tài năng, người nghệ sĩ phải trở về cái gốc của nghệ thuật là đời sống muôn màu muôn vẻ kia. Trong lịch sử văn hóa nhân loại, chưa có thiên tài nghệ thuật nào không được gieo hạt, nảy mầm, bắt rễ, lớn lên, trưởng thành từ cái nôi đời sống. Đến lượt tác phẩm của họ quay trở lại phục vụ cuộc sống nhân sinh, làm giàu văn hóa, xã hội.
Thời hội nhập hôm nay nhà văn được coi là sứ giả văn hóa nên càng phải hiểu biết. Xu hướng của tiếp nhận hiện đại là đón đọc những tác phẩm ẩn chứa hình bóng của nhiều thân phận, sự gặp gỡ của nhiều luồng văn hóa, sự ký thác của nhiều thế hệ. Thấu hiểu đời để thấu cảm người, đấy là tiền đề của sáng tạo văn chương. Sống ở thời của mã hóa, nhà văn là người kiến tạo mã, độc giả là người giải mã. Hiểu biết là cái chìa khóa để giải mã, để kiến tạo mã mới, làm dày thêm mã truyền thống. Rỗng mã, nghèo mã hay mã đánh đố sẽ không có người đọc. Mã hình tượng nghệ thuật phải mang mẫu số chung của mọi cộng đồng. Chỉ có thể bay vào bầu trời văn hóa thế giới bằng đôi cánh dân tộc và nhân loại cánh chim nghệ sĩ mới có thể hướng bạn đọc đi về phía chân trời cái mới, cái đẹp, cái thiện.